Multimedia Đọc Báo in

Thăm đền Chu Hưng nơi xứ cọ

16:30, 08/10/2017
Từ bao đời nay, ở vùng trung du xứ cọ Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ), cư dân nơi đây vẫn truyền nhau câu: “Nhất Chu, nhì Hiền, tam Lang, tứ Lệnh” để nói về đền Chu Hưng, ngôi đền thiêng vào bậc nhất của vùng đất này.
 
Đền Chu Hưng là nơi gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và đặc biệt, đây còn là nơi thành lập lực lượng vũ trang đầu tiên của nước bạn Lào.

Theo cuốn “Chu Hưng ngọc phả thánh tích” hiện còn lưu giữ tại đền, vị thần được thờ phụng tại đây là Côn Nhạc, cháu của Hùng Nhuệ Vương (Lang Liêu). Khi lên ngôi, Hùng Nhuệ Vương cho phân chia sơn hà thành từng vùng, từng châu rồi giao cho anh em mỗi người hùng cứ một phương. Trong đó Côn Nhạc được giao chính tổng chấn địa hạt Chu Hưng. Khi thắng giặc trở về, Côn Nhạc được gia phong sắc quy “Quốc tái gia phong, Sắc rồng Côn Nhạc, Chính tông hùng Trấn đại vương, Thượng tướng nhất phương Cảnh Vũ”. Ông tiếp tục cai quản địa hạt Chu Hưng, một thời gian sau thì mất. Tưởng nhớ công ơn của Côn Nhạc, nhân dân đã lập miếu thờ. Tháng 7-1806, vua Gia Long cho xây mới ngôi đền và tồn tại đến nay.

Trải qua các triều vua nhà Nguyễn, đền Chu Hưng nhận được 11 đạo sắc phong; trong đó có 4 sắc phong “Hựu thiện phù trực chi thần”, 5 sắc phong “Thượng đẳng thần”. Tại đền vẫn lưu giữ được tượng thờ Côn Nhạc, các sắc phong của các triều đại, quyển “Chu Hưng ngọc phả thánh tích”, hậu đường bia ký và các đồ thờ cúng có giá trị khác.

Lễ vật của người dân  dâng lên  Côn Nhạc  Đại Vương.
Lễ vật của người dân dâng lên Côn Nhạc Đại Vương.

Theo sử sách ghi chép lại, sau khi nhà Trần chiến thắng quân Nguyên Mông oanh liệt, vua Trần Nhân Tông đã rời kinh thành lên thăm trại Quy Hóa nơi diễn ra cuộc giao chiến lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất của quân Đại Việt chống quân Mông Cổ ngày 17 tháng 1 năm Đinh Tỵ 1258. Khi thăm nơi đây, nghe nói cạnh trại chiến có ngọn núi nơi táng Côn Nhạc Đại vương, người được giao trấn giữ hạt Chu Hưng khi xưa đã có công điều binh khiển tướng đánh đuổi ngoại xâm, vua Trần lên thăm núi ký hài lăng và khắc tặng bốn câu thơ: “Vung giáo non sông mấy ngàn thu/Bốn biển được yên thù đã hết/Núi xanh trùng điệp tựa như tranh/Linh lăng vạn cổ mãi hiển vinh”.

Đền Chu Hưng không chỉ có giá trị lịch sử văn hóa, tín ngưỡng thời Hùng Vương mà còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Ngày 29-8-1945, Mặt trận Việt Minh đã lấy sân đền làm trụ sở tổ chức cuộc mít tinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến. Ngôi đền này cũng là nơi tuyên bố thành lập các đoàn thể cứu quốc như: Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc... Từ tháng 4-1947 đến tháng 12-1949, xưởng nữ quân nhu chiến khu 10 đã đặt cơ sở tại đền làm nơi sản xuất quần áo chiến sĩ, đóng gói chăn màn, ba lô để gửi ra tiền tuyến.

 Đền Chu Hưng còn là nơi thành lập quân đội Lào. Tại đây, trải qua một hành trình hoạt động bí mật, các chiến sĩ Lào do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản khi ấy là Trưởng Ban xung phong Lào – Bắc dẫn đầu qua Sơn La, vượt sông Đà tiến đến vùng Sông Thao, Phú Thọ. Được sự giúp đỡ, che chở của nhân dân ta, khi thấy điều kiện đã chín muồi cho việc thành lập tổ chức, ngày 16-4-1949, dưới gốc cây sui cổ thụ trong sân đền cổ Chu Hưng, lễ thành lập Đội vũ trang đầu tiên của nước Lào, lấy tên là Lát-xa-vông đã được tổ chức. Tại buổi lễ lịch sử này, phía Việt Nam có đồng chí Lê Trọng Tấn, đại diện Quân đội quốc gia Việt Nam đến chúc mừng.

Sự thành lập Đội vũ trang Lát-xa-vông tại ngôi đền Chu Hưng là một sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng, ghi dấu sự trưởng thành bước đầu của lực lượng vũ trang Lào và sự gắn bó, đoàn kết của quân và dân hai nước cùng chống kẻ thù chung. Khi hai nước được giải phóng, sạch bóng quân thù, vào những dịp kỷ niệm lớn, đoàn cán bộ cấp cao của Lào đã tổ chức những chuyến trở về đền Chu Hưng, thăm lại nơi ra đời của đội vũ trang Lát-xa-vông, tiền thân của quân đội Lào ngày nay. Gần đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, ngày 25-8-2017, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Lào đã dẫn đầu đoàn công tác về thăm Khu di tích lịch sử Đền Chu Hưng.

Năm 2003, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra quyết định bổ sung đền Chu Hưng thuộc Di tích Chiến khu 10 vào di tích lịch sử cấp Quốc gia. 

Nguyễn Thế Lượng
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.