Multimedia Đọc Báo in

Nghĩ về bản sắc

16:27, 26/01/2018
Có thể nói, chưa bao giờ khái niệm bản sắc văn hóa được quan tâm và nhắc đến nhiều như hiện nay. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi vì bản sắc văn hóa là vốn tài nguyên vô cùng quý giá, giúp cho mỗi cộng đồng, dân tộc lấy đó làm nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bản sắc tạo sự khác biệt

Điều đó hoàn toàn đúng - và hơn thế, đôi khi nó còn mang lại hiệu quả   hơn cả một chiến dịch truyền thông, quảng cáo rầm rộ. Chính vì vậy, bản sắc văn hóa ngày càng được hầu hết cá nhân, tổ chức, cộng đồng khai thác, vận dụng linh hoạt nhằm phục vụ cho mục tiêu của mình trên nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau.

Chẳng hạn như trong hoạt động du lịch, yếu tố trên được các đơn vị, doanh nghiệp đặc biệt chú trọng. Bất kỳ địa phương nào cũng tìm tòi, định danh cho được sự độc đáo và khác biệt trong sản phẩm để thu hút du khách. Các tỉnh, thành miền núi thì lấy âm vang đại ngàn cùng đời sống sinh hoạt văn hóa giàu bản sắc của các dân tộc thiểu số tại chỗ làm cảm hứng chủ đạo. Còn vùng đồng bằng - duyên hải luôn xác định và hướng tới không gian biển, đính kèm với các giá trị di sản (lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật) đã được tuyên bố như một thương hiệu (logo) nhận diện nhằm mời gọi mọi người. Bởi thế mới thấy trên bản đồ du lịch Việt Nam hiện nay đang có sự khu biệt rõ ràng tính chất đặc thù của từng vùng, miền gắn liền với bản sắc văn hóa khác nhau, tạo nên bức tranh đa sắc màu, đáp ứng nhu cầu thưởng lãm và trải nghiệm cho du khách.

Lễ cúng sức khỏe voi mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên cần được giữ gìn, bảo tồn, phát triển.
Lễ cúng sức khỏe voi mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên cần được giữ gìn, bảo tồn, phát triển.

Ví như ở Đắk Lắk, các sản phẩm du lịch gắn với một số tour, tuyến khác biệt như “Âm vang đại ngàn”, “Văn hóa voi”, “Con đường xanh Tây Nguyên” và gần đây là “Trải nghiệm với cà phê”… đã dần tạo được sự quan tâm, chú ý của du khách. Ông Đinh Một, Giám đốc Trung tâm Thông tin, xúc tiến Du lịch tỉnh lấy ví dụ như Khu Du lịch Văn hóa - Sinh thái cộng đồng Kô Tam (phường Tân Hòa –TP. Buôn Ma Thuột) đã biết kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ để biến nơi đây  thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Từ nét kiến trúc, ẩm thực cho đến nhiều yếu tố khác đã được chủ nhân của khu du lịch này khai thác và vận dụng như một lợi thế cạnh tranh thật sự có hiệu quả vượt trội. Đó là bên cạnh việc tái hiện lại một cách sống động không gian sống mang đậm dấu ấn cổ xưa (như rừng cây, bến nước, khu tượng nhà mồ, nhà dài truyền thống) cộng với vốn ẩm thực đặc sắc (cơm lam, gà nướng, cà đắng, măng le, rau rừng…) của người Êđê đã tạo nên điểm nhấn khá ấn tượng cho bất kỳ ai đến với khu du lịch này.  

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị khu du lịch trên cho rằng: Làm du lịch mà không tạo được sự khác biệt, độc đáo so với mặt bằng chung thì không thể trụ vững và phát triển được. Sự khác biệt và độc đáo ấy, tất nhiên phải dựa vào bản sắc của mỗi cộng đồng, cư dân trên địa bàn. Và dĩ nhiên, với ý tưởng đó cùng với chất lượng phục vụ tốt và chuyên nghiệp hơn sẽ góp phần tạo dựng uy tín, thương hiệu và đẳng cấp cho doanh nghiệp.

Giữ gìn bản sắc

Ý nghĩa và tầm quan trọng của bản sắc văn hóa đối với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội nói chung đã quá rõ, vấn đề đặt ra là làm sao gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị ấy trước “vòng xoáy” đời sống hiện đại ngày nay. Nhiều người cho rằng giữa bảo tồn và phát triển luôn chứa đựng những “mâu thuẫn” gay gắt, hay nói cách khác đó là bài toán vô cùng nan giải đặt ra. Và để giải quyết mâu thuẫn này, đòi hỏi người “cầm cân, nảy mực” phải có nhận thức, thái độ hành xử khách quan, trung thực.  

Lễ cúng sức khỏe voi mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên cần được giữ gìn, bảo tồn, phát triển.
Lễ cúng sức khỏe voi mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên cần được giữ gìn, bảo tồn, phát triển.

 

Bản sắc văn hóa luôn luôn mới, bởi lẽ nhu cầu khám phá, trải nghiệm nó là vô tận. Cái mới sẽ được tìm thấy trong nhiều tầng, nhiều lớp của phức hệ giá trị chứa đựng trong đó và không ngừng được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Người “cầm cân, nảy mực” không ai khác ngoài chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng sở hữu vốn bản sắc văn hóa. Bản thân giữa hai yếu tố bản sắc (truyền thống) và hiện đại (phát triển) luôn tiềm tàng những khả năng tranh chấp, mà việc hóa giải sự tranh chấp này luôn đi kèm với thách thức như tư duy theo lề thói cá nhân và xem thường kinh nghiệm. Không ít ý kiến phản hồi từ các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa ở Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung cho rằng: Trên thực tế, thách thức đó đã xảy ra và đã kéo theo nhiều hệ lụy đáng tiếc. Như trên địa bàn Đắk Lắk hiện nay, kiến trúc nhà dài cùng với không gian sống, đồng thời là không gian lịch sử, văn hóa bị thu hẹp, mất mát nghiêm trọng; đời sống tâm linh, tín ngưỡng thể hiện qua nếp sinh hoạt và thực hành văn hóa của các cộng đồng dân tộc tại chỗ bị biến dạng. Tất thảy điều đó đã tác động theo hướng tiêu cực lên mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội nói chung khi nhìn nhận nó dưới dạng tài nguyên quý giá.

Mặt khác, cũng không nên cho rằng bảo tồn bản sắc như một sự bảo thủ, cổ hủ và trì níu sự phát triển…mà phải đặt nó trong môi trường vận động không ngừng. Bản sắc văn hóa cần được nghiên cứu, bồi đắp và hoàn thiện theo tiến trình đi lên của lịch sử. Hay nói đúng hơn, “Bản sắc văn hóa luôn luôn mới”, bởi lẽ nhu cầu khám phá, trải nghiệm nó là vô tận. Tất nhiên, cái mới ở đó sẽ được tìm thấy trong nhiều tầng, nhiều lớp của phức hệ giá trị hàm chứa, bao trùm và không ngừng được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có nhận thức và hành xử như vậy, bản sắc văn hóa mới luôn đóng vai trò là nền tảng, động lực để giúp các địa phương và quốc gia phát triển.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.