Multimedia Đọc Báo in

Núi Đá Bia - Cột mốc huyền thoại trên đường Nam tiến

16:26, 26/01/2018

Dọc Quốc lộ 1A theo hướng bắc nam, khi sắp qua địa phận tỉnh Phú Yên để lên đèo Cả, nhìn theo hướng tay trái, ta sẽ gặp một ngọn núi cao sừng sững, trên đỉnh có một tảng đá lớn, cao 80 m. Đó là núi Đá Bia - thắng cảnh nổi tiếng trong lịch sử dân tộc.

Núi Đá Bia, tên chữ Hán là Thạch Bi sơn, dân gian gọi là núi Ông. Núi thuộc địa phận xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa, Phú Yên), cách thành phố Tuy Hòa khoảng 23 km về phía nam. Đây là ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy đèo Cả (địa giới tự nhiên giữa hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa).

Trong tâm thức người dân Phú Yên, núi Đá Bia có một vị trí quan trọng. Từ xa xưa, đây được xem là một ngọn núi thiêng. Người Chăm Pa trước đây gọi tên núi là Lingaparvata, có nghĩa là “Linga - đấng đại sơn thần” (Linga là hiện thân của thần Siva, một trong ba vị thần tối cao trong tín ngưỡng của người Chăm).

 Tảng đá khổng lồ trên ngọn Thạch Bi sơn huyền thoại.
Tảng đá khổng lồ trên ngọn Thạch Bi sơn huyền thoại.

Trong lịch sử dân tộc, núi Đá Bia cũng có một vị trí đặc biệt, được xem là một trong những cột mốc quan trọng trên hành trình Nam tiến gian nan. Theo sử liệu, năm 1471, vua Lê Thánh Tông thân chinh đánh dẹp quân Chiêm Thành. Sau khi giành được vùng đất vào đến đèo Cả, vua cho quân lính khắc chữ lên tảng đá lớn trên đỉnh núi Đá Bia, ghi rõ cương vực nước Đại Việt tại nơi này. Đến nay, bia không còn nhưng nội dung văn bia được các sử sách chép lại là: “Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong. Đại Việt quá thử, tướng tru binh chiết” (Chiêm Thành mà vượt qua nơi này thì binh bại nước mất. Đại Việt mà vượt qua đây thì tướng chết, quân tan). Tên gọi Đá Bia bắt nguồn từ sự kiện lịch sử quan trọng này.

Người dân Phú Yên xem núi Đá Bia là một trong những biểu tượng cho lịch sử hào hùng của địa phương.

Là một cột mốc huyền thoại trên hành trình mở cõi, núi Đá Bia cùng với sự kiện vua Lê Thánh Tông cho khắc bia chủ quyền tại đây được nhiều bộ sử Việt nói đến như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Phủ biên tạp lục”, “Đại Nam nhất thống chí”… Để ghi nhớ sự kiện lịch sử trọng đại này, năm 1836, vua Minh Mạng cho khắc hình núi Đại Lãnh (trong đó có ngọn Đá Bia) vào Tuyên đỉnh, một trong Cửu định đặt ở Đại nội Huế còn đến ngày nay.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, núi Đá Bia là một căn cứ cách mạng quan trọng. Bên dưới núi là cảng Vũng Rô, nơi cập bến của những con tàu không số huyền thoại.

Núi Đá Bia là một trong những danh thắng nổi tiếng của xứ “hoa vàng trên cỏ xanh”, được công nhận là Thắng cảnh cấp quốc gia (năm 2008). Hiện nay, danh thắng này được quy hoạch phát triển thành Khu du lịch sinh thái núi Đá Bia với nhiều bậc tam cấp, cầu “treo”, dốc cổng trời trên đường lên đỉnh núi. Đến với Thạch Bi Sơn, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác leo núi cao, hòa mình vào thiên nhiên, đứng giữa bao la trời đất, thả hết tầm nhìn về bốn hướng, ngắm nhìn vẻ đẹp của núi non biển trời. Du khách còn được sống lại những chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc gắn với ngọn núi này.

Phạm Tuấn

 


Ý kiến bạn đọc