Multimedia Đọc Báo in

Nhớ mùa "ăn năm uống tháng"…

05:55, 18/02/2018

Không khí rộn ràng của mùa “ăn năm uống tháng”, của “tháng ning nơng” mỗi dịp cuối năm, nơi người ta uống rượu cần, nghe kể khan, diễn tấu cồng chiêng thâu đêm suốt sáng… giờ chỉ còn trong ký ức của những người già ở các buôn làng Êđê, M’nông… Hình ảnh “Nhà giàu ăn năm uống tháng không dứt tiếng chiêng. Họ uống rượu, nước tràn xuống gầm nhà, làm con ếch trắng phải kêu, con nhái kêu inh ỏi dưới gầm nhà sàn” (sử thi Mdrong Dăm) đã xa xôi lắm. 

Nghe hỏi về mùa “ăn năm uống tháng”, già Y Wăn Rơ Tung (buôn Rơ Chai A, xã Krông Nô, huyện Lắk) thốt lên: “Ồ, người M’nông Gar mình giờ cũng ăn Tết Nguyên đán như người Kinh. Bận làm ăn, bận mùa màng, một năm tới mấy vụ thu hoạch, còn thời gian đâu mà ăn năm uống tháng?”. Trí nhớ của già bỗng chốc bay về ngày buôn Rơ Chai A còn là ngôi làng Sar Luk bé nhỏ nằm bên dòng Krông Nô cuộn chảy, nơi từng diễn ra những lễ hội hội tưng bừng của những năm “ăn rừng Đá Thần Gô”, “ăn rừng Phih Kó”…

Ngày ấy, mỗi khi vụ thu hoạch lúa kết thúc, người dân làng Sar Luk được nghỉ ngơi, vui chơi, ca hát, đánh chiêng và uống rượu. Những lễ cúng đánh dấu sự kết thúc mùa màng, cầu mong mưa thuận gió hòa, thần linh ban phước cho thóc lúa đầy bồ như lễ “thu lượm hồn lúa”, “bôi máu cho thóc”… được tổ chức từ nhà này sang nhà khác. Những bộ chiêng phẳng, chiêng có núm được lấy ra; người ta đến nhà nhau ăn mừng thóc mới, uống rượu, đánh chiêng, kể sử thi từ sáng sớm đến đêm khuya. Trước mắt già Y Wăn vẫn như thấy đâu đây hình ảnh dàn người đánh chiêng đi vòng trong nhà tấu khúc “vòng quay của dàn cing”; giữa tiếng chiêng ngân vang ấy, một người nào đó cất tiếng hát “bài ca của những chiếc chiêng” trong tiếng hoan hô của mọi người. Rồi ai đó nắm mép chiếc chiêng mẹ kéo người đánh chiêng ngồi xuống và cất tiếng hát kể những câu chuyện sử thi huyền thoại, chuyện về sự tích Bieng Coh Lêe hướng dẫn những người con đầu tiên chui ra khỏi thế giới âm phủ; chuyện về Jieng-Laang, người phụ nữ ở giữa trời… Những ngày hội cứ tiếp nối nhau, sau lễ hội đánh dấu kết thúc một năm là lễ cúng đất để bắt đầu một năm mới, rồi lễ kết nghĩa anh em, đám cưới… Cứ thế, “mùa ăn năm uống tháng” lại tiếp diễn, người ta vui chơi, uống rượu, đánh chiêng…  

Phục dựng lễ cưới của dân tộc M’nông.
Phục dựng lễ cưới của dân tộc M’nông.

Những mùa “ăn năm uống tháng” xa xưa ấy, dù mới chỉ là một chú bé con nhưng trí nhớ của ông Y Nơ Ktul (buôn Drai H’linh, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn in sâu không khí tưng bừng của những ngày lễ tiếp nối nhau sau mùa thu hoạch lúa rẫy. Hồi ấy, buôn Drai H’linh vẫn còn vẹn nguyên những nếp nhà sàn dài, quanh buôn là rừng bạt ngàn bao bọc. Khi lúa đã được đưa về chất đầy kho, mọi gia đình trong buôn đều rước hồn lúa, cúng bồ lúa và làm lễ cúng cơm mới. Lần lượt từng nhà trong buôn tổ chức lễ cúng, chuẩn bị rượu cần, giết gà, mổ heo và mời bà con buôn gần, buôn xa đến dự. Bên đống lửa bập bùng trong gian khách của ngôi nhà dài, chủ khách cùng quây quần uống rượu cần, hát kưưt, ayray, kể khan… Tiếng cồng, tiếng chiêng suốt ngày ngân vang rộn rã. Đêm đêm, khan Đam San, Đăm Di, Xing Nhã… cất lên lúc trầm, lúc bổng - ông Y Nơ kể với giọng mơ màng, tiếc nuối. 

Đó cũng là ký ức in đậm trong trí nhớ của ông Y Mui Ađrơng (buôn Jù, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột). Y Mui bảo, ngày ấy, vào mùa này, âm thanh cồng chiêng ngân vang dường như không bao giờ dứt bởi hết lễ hội ăn cơm mới, buôn làng lại bước vào lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe, lễ kết nghĩa… 

Lễ cúng sức khỏe cho voi ở Buôn Đôn.
Lễ cúng sức khỏe cho voi ở Buôn Đôn.

“Nhớ thì nhớ vậy thôi chứ giờ cuộc sống đổi thay lắm rồi, khó mà giữ được nguyên vẹn văn hóa truyền thống của ông bà”, ông Y Mui tâm sự. Nhớ thương những mùa “ăn năm uống tháng”, hơn 20 năm nay, từ khi đảm nhiệm vai trò trưởng buôn, năm nào ông Y Mui cũng cố gắng tổ chức ngày hội đón Tết của cả cộng đồng như một cách níu kéo chút không khí rộn rã, đắm say của những ngày xa xưa. Vào khoảng 28, 29 Tết, đồng bào trong buôn đóng góp mổ heo, chuẩn bị rượu cần mang đến nhà cộng đồng cùng chung vui đón Tết. Dàn chiêng lại tấu lên những khúc nhạc tươi vui rộn rã, bà con chuyền tay nhau cần rượu, thưởng thức các món ẩm thực truyền thống, ca hát và nhảy múa, trò chuyện, hóa giải những mâu thuẫn để mong đón một năm mới bình yên, ấm no…

Thanh niên M’nông Gar ở buôn Rơ Chai A giờ không còn biết đến “Đá Thần Gô”, cũng xa lạ với những mùa “ăn năm uống tháng”. Người ta vẫn đánh những bài chiêng vui “Yông Rơ La”, “Mbăr dơt” hay hát những bài giao duyên nhưng không phải trong lễ mừng thóc mới mà trong… lễ Giáng sinh hay Tết Nguyên đán theo lịch của người Kinh. Rừng không còn nữa, buôn Drai H’Linh cũng không còn những nếp nhà dài, lễ cúng cơm mới, cúng bến nước cũng không còn. 

Không khí rộn rã, tưng bừng và thiêng liêng của những mùa “ăn năm uống tháng”  giờ chỉ còn trong lời kể của người già…

Hồng Hà


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.