Multimedia Đọc Báo in

Ðộc đáo ẩm thực của đồng bào Êđê

06:15, 17/02/2018

Từ xa xưa, đời sống gắn liền với rừng núi nên ẩm thực của người Êđê phản ánh lối sống gần gũi giữa con người với thiên nhiên thông qua nguyên liệu, chế biến theo phong cách dân dã, đậm chất núi rừng…

Đậm đà dế cơm rang muối

Người dân ở buôn Ea Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) biết ông Y Keo Drơng rất khéo tay, hay làm những món ăn truyền thống của dân tộc mình. Khi được hỏi về những món ngon của đồng bào Êđê, ông Y Keo không chút ngần ngại chia sẻ nhiều món độc, lạ; trong đó có món dế cơm rang muối.

Để có được những chú dế cơm to, béo, màu nâu vàng óng…, người Êđê thường đi bắt dế vào khoảng tháng 10 hằng năm (đầu vụ thu hoạch lúa). Để bắt được dế cần phải có “mồi nhử” là những chú kiến lửa (loại to) được bỏ đói nhiều ngày. Ông Y Keo cho hay: “Khi gặt xong ruộng lúa của gia đình, họ sẽ lần tìm những hang dế sau đó thả kiến lửa vào hang. Do kiến lửa bị bỏ đói nên vội vàng đi xuống hang để đi tìm thức ăn. Khi phát hiện ra dế cơm, kiến lửa sẽ cắn, đốt và dồn chú dế chạy ra ngoài miệng hang. Lúc này, người đi bắt dế phải nhanh tay chộp lấy chú dế bỏ vào bao”.

Những chú dế cơm béo ngậy được làm sạch, bỏ chân; sau đó được cho vào chảo gang rang lên đến khi dế chuyển sang màu vàng, có mùi thơm. Tiếp đó, dế được vớt ra rồi giã nhuyễn cùng muối, lá hành, gừng, hẹ... Ông Y Keo nói: “Món này có thể ăn không, hoặc ăn với cơm và dùng để chấm… đều được. Khi ăn có vị beo béo, mằn mặn, cay và bùi bùi rất đặc trưng”.

Giữ chất men say rượu cần

Cứ đến tháng 12, bà H’Đrễn K’đoh ở buôn Kbu (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) lại tất bật làm rượu cần để tặng bạn bè đón Tết. Để có một ché rượu cần thơm ngon, ít nhất phải mất 3 tháng ủ rượu. Nguyên liệu chính để làm rượu cần thường là cơm nguội đã phơi được hai ngày nắng, sau đó trộn đều với men (do bà con tự làm). Để có loại men đặc biệt này, người Êđê phải vào rừng tìm vỏ và lá cây ana h’jam mang về phơi khô để làm men theo công thức đặc biệt. Bà H’Đrễn cho biết, ngày nay người làm được loại men này không nhiều, vì những người biết về cây ana h’jam và biết công thức làm men còn rất ít. Do đó bà thường phải đặt người quen ở huyện M’Đrắk, Krông Năng hoặc Ea H’leo trước cả năm mới có được.

Bà H’Đrễn K’đoh hướng dẫn cách làm rượu cần truyền thống của đồng bào Êđê.
Bà H’Đrễn K’đoh hướng dẫn cách làm rượu cần truyền thống của đồng bào Êđê.

Cơm sau khi được trộn đều với men được cho vào ché rồi đổ nước vào ủ. Ở phía trên và dưới đáy ché là một lớp trấu có tác dụng ngăn cho bã rượu không chạy vào trong cần khi hút. Những ché rượu cần chất lượng là khi người uống châm nhiều lần nước vào mà vẫn giữ được vị ngon ngọt, thơm nồng. Bà H’Đrễn dùng loại nước suối trong vắt để châm rượu. Nước suối mát lạnh ngấm vào men tạo cho rượu cần một mùi vị rất đặc biệt, vừa mát lạnh, lại vừa có vị ngọt, dịu nhưng cũng có vị chát …

Công đoạn cuối cùng của làm rượu cần là lấy lá chuối bịt kín miệng ché, rồi cột chặt lại để khỏi bay mất mùi, sau đó đem ché cất vào một góc nhà (nơi có ít người qua lại); có người còn chôn ché rượu xuống dưới đất để ủ. Rượu cần được ủ càng lâu thì uống càng ngon. Bà H’Đrễn chia sẻ thêm bí quyết làm rượu: “Nếu cơm được phơi vào những ngày trời lạnh, sau khi trộn với men sẽ có vị chua chua -  người lớn tuổi rất thích loại rượu này. Do đó bên cạnh loại rượu cần thông thường, tôi cũng làm thêm những ché rượu cần có vị chua chua để tặng những người lớn tuổi”.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.