Multimedia Đọc Báo in

Tưng bừng ngày hội văn hóa dân gian Việt Bắc ở Cư Êwi

06:20, 17/02/2018

Hằng năm, cứ đến ngày mồng 4 Tết Âm lịch, đồng bào Tày, Nùng đang sinh sống ở thôn 4,5 xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) lại tổ chức Ngày hội văn hóa dân gian Việt Bắc. Đây là dịp để mọi người gác lại mọi lo toan trong cuộc sống đời thường, có thời gian vui chơi giải trí, để gần gũi nhau hơn.

Dù định cư trên mảnh đất Tây Nguyên đã lâu, cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng Ngày hội văn hóa dân gian Việt Bắc vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Tày, Nùng trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Đây được xem là ngày hội quan trọng của người dân trong dịp đầu Xuân năm mới nên dù ai đi làm ăn xa, bận rộn nơi đất khách quê người đến mấy cũng đều gác lại mọi việc, nô nức về làng để tham gia vui chơi. 

Sau khi tiếng trống khai hội vang lên tưng bừng, giục giã, mọi người không chỉ được thưởng thức làn điệu hát then đàn tính truyền thống làm say đắm lòng người mà còn trực tiếp tham gia nhiều trò chơi dân gian độc đáo như: kéo co, đi cà kheo, bịt mắt đánh trống… Trong đó, đu tiên hay thường gọi đánh đu là trò chơi thu hút rất nhiều du khách thập phương và người dân tham gia. Để chuẩn bị cho trò chơi đu tiên, trước đó Ban tổ chức phải cử người đi tìm những cây tre già và có dáng cong để dựng cột đu. Ở giữa các giá đu, đòn đu được buộc dây thừng để tạo độ nhún, giúp người chơi đu cao nhất có thể, đồng thời bảo đảm an toàn cho người chơi. Trên cây tre, Ban tổ chức sẽ treo một chiếc khăn, cao xấp xỉ chiều cao giá đu, người nào giật được chiếc khăn là người thắng cuộc và nhận được quà từ Ban tổ chức. Có nhiều cách đu, nhưng hấp dẫn và thích thú người xem nhất vẫn là đu đôi nam nữ. Để chơi được trò chơi này đòi hỏi hai người phải giáp mặt vào nhau, phối hợp thật khéo léo, ăn ý trong từng động tác để di chuyển chiếc đu bay cao nhất có thể trên không trung. 

Trò chơi đẩy gậy thu hút nhiều thanh niên tham gia.
Trò chơi đẩy gậy thu hút nhiều thanh niên tham gia.

Với những ai đã từng một lần về tham dự ngày hội thì có lẽ không thể nào quên hình ảnh giữa nắng xuân ấm áp, gió dịu nhẹ, những nam thanh nữ tú duyên dáng, tình tứ trong trang phục truyền thống của dân tộc, tung bay trong tiếng hò reo, cổ vũ của người xem. Em Phan Thị Nhất (dân tộc Tày, ở thôn 5), một thanh niên trẻ không dấu được niềm tự hào về Ngày hội văn hóa dân gian Việt Bắc: “Mỗi lần địa phương tổ chức ngày hội em đều có mặt để tham gia các trò chơi dân gian. Đây cũng là dịp để những người được sinh ra trên vùng đất mới như em có thể tìm hiểu thêm về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời rèn luyện sức khỏe”.

Bịt mắt đánh trống đòi hỏi sự phối hợp nhiều giác quan.
Bịt mắt đánh trống đòi hỏi sự phối hợp nhiều giác quan.

Không kém phần đặc sắc trong ngày hội là trò chơi đẩy gậy. Không chỉ những thanh niên cường tráng, khỏe mạnh tìm đến trò chơi này mà những người lớn tuổi, người già cũng háo hức tham gia. Để chơi đẩy gậy chỉ cần một cây gậy làm bằng tre già, thẳng có chiều dài 2 m, được bào nhẵn, đánh dấu chia đều hai bên và sân thi đấu là một vòng tròn màu trắng có đường kính 5 m. Quy định của trò chơi này tương đối đơn giản, bên nào chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc. Tuy đây là trò chơi đòi hỏi sức khỏe dẻo dai nhưng để thắng được đối thủ, các vận động viên cần phải có chiến thuật và tâm lý ổn định. Những tình huống gay cấn, giằng co không phân thắng bại của trận đấu đã đem đến giây phút hồi hộp, hấp dẫn người xem. Sau mỗi hiệp đấu, dù có thắng hay không, khán giả có mặt tại đây đều dành cho người chơi những tràng vỗ tay động viên, khiến không khí ngày hội trở nên cuốn hút, vui tươi và thắm tình người hơn.

Ông Bùi Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Cư Êwi cho biết, ngày hội không chỉ giúp mọi người trong thôn xua đi những mệt nhọc, lo toan sau một năm lao động vất vả, vui chơi bổ ích, lành mạnh trong những ngày Xuân, mà còn hướng mọi người đến những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Mặc dù không có khán đài, nhà thi đấu hoành tráng nhưng năm nào ngày hội cũng đón hàng nghìn du khách thập phương về dự. Đây là điều khích lệ để người dân và chính quyền địa phương quyết tâm duy trì ngày hội hằng năm.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.