Nét đẹp văn hóa của người Xê Đăng ở Ea Yiêng
Xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắc) có 5 buôn với 1.224 hộ dân, chủ yếu là người Xê Đăng từ huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) sang định cư từ năm 1975. Từ đó đến nay, họ vẫn duy trì và bảo tồn được những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Người Xê Đăng ở Ea Yiêng hiện vẫn giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Hơn 40 năm từ khi mới đến đây lập nghiệp, cuộc sống buôn làng ngày càng nhiều đổi thay, dù có nhiều lựa chọn để may mặc các bộ trang phục khác nhưng người Xê Đăng vẫn giữ riêng cho mình bộ trang phục truyền thống, chọn mặc trong các dịp lễ hội, ngày vui của gia đình, buôn làng.
Theo bà Thêm (buôn Kon H’ring), trong một lễ cưới của người Xê Đăng, không chỉ cô dâu chú rể, ba mẹ đôi bên mà tất cả người thân, họ hàng cũng sẽ mặc trang phục dân tộc truyền thống đến dự lễ. Giờ đây màu sắc trên trang phục của người Xê Đăng đã có nhiều thay đổi với những màu sáng, rực rỡ hơn như trắng, xanh, tím… chứ không chỉ giới hạn ở màu đen và màu chàm như trước. Các chi tiết trên áo cũng được biến tấu để phù hợp giúp cho việc sử dụng được dễ dàng hơn.
Phụ nữ Xê Đăng ở Ea Yiêng trong trang phục truyền thống của dân tộc. |
Đã bước qua tuổi 60, bà Song (buôn Kon Wang) là một trong những người có tay nghề cao, không chỉ người trong buôn mà các buôn lân cận cũng tìm đến đặt hàng. Hằng ngày bà vẫn miệt mài ngồi bên khung cửi để dệt nên những tấm thổ cẩm đẹp với đường nét, hoa văn độc đáo. Tất cả mọi vật dụng trong gia đình như khăn trải bàn, quần áo, tấm địu, cặp sách… đều do một tay bà dệt nên. Ngoài những hoa văn truyền thống, bà còn sử dụng các họa tiết phổ biến như hình ngôi sao, hoa mặt trời, con bướm… để trang phục trở nên đẹp và bắt mắt hơn. Theo bà Song, trước đây để làm ra được một tấm vải thổ cẩm là cả một quá trình rất công phu và mệt nhọc, từ trồng bông, cán bông, kéo sợi, nhuộm màu và cuối cùng là khâu. Nhưng hiện nay việc dệt thổ cẩm đơn giản hơn rất nhiều, chỉ cần ra chợ mua chỉ về là có thể bắt tay ngay vào dệt. Ngoài việc nhận làm hàng đặt, bà Song còn dệt và may sẵn nhiều bộ trang phục để người dân hay các đội văn nghệ thuê mỗi khi có nhu cầu (với giá 20 nghìn đồng/bộ), giúp bà có thêm một nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống.
Bà Song (bìa phải) giới thiệu sản phẩm thổ cẩm. |
“Trong cuộc sống hiện đại, bà con người Xê Đăng trên địa bàn xã vẫn giữ gìn được nghề đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống, đánh cồng chiêng… Điều này không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy được những nét đẹp truyền thống của dân tộc mà còn làm đa dạng và phong phú hơn bản sắc văn hóa các dân tộc đang sinh sống ở Tây Nguyên”.
Ông A Diết, cán bộ Văn hóa - Thông tin xã Ea Yiêng
|
Đến nay, tiếng cồng chiêng vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của người Xê Đăng. Hiện xã có 2 đội chiêng gồm đội chiêng già và đội chiêng trẻ, với 30 thành viên thường xuyên tập luyện để đi biểu diễn trong các dịp lễ hội, các cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức và đã nhiều lần đoạt giải cao. Theo ông A Tiếp (buôn Kon Wang), đội trưởng đội chiêng già, hồi mới chuyển đến Ea Yiêng sinh sống, người Xê Đăng cũng mang theo vài bộ chiêng, nhưng qua thời gian sử dụng đã bị hư hỏng nhiều nên phải cử người sang tận Kon Tum mua lại. Hiện đội có 2 bộ chiêng, 1 bộ dùng để luyện tập còn 1 bộ chỉ dùng khi đi biểu diễn.
Với tâm niệm “tre già măng mọc”, khi mình về già thì sẽ có những thế hệ đi sau tiếp nối, duy trì và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc nên 2 năm qua, ông A Tiếp và một số thành viên trong đội đã tập hợp một số cháu nhỏ trong buôn đến nhà văn hóa cộng đồng để dạy đánh cồng chiêng. A Mười (13 tuổi) được xem là một trong những thành viên xuất sắc nhất của đội chiêng trẻ cho biết: “Tham gia vào đội chiêng, chúng em được các bác các chú tận tình chỉ dẫn luyện tập từng bước một. Ban đầu cũng bỡ ngỡ, thậm chí có lúc thấy khó quá ngại tập nhưng lại được các bác kiên trì động viên, dần dần cả đội đã chơi được thành thạo một số bài, được đi biểu diễn nên càng thêm phấn khởi và có động lực tiếp tục tập luyện”.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc