Thác Bay - "người đẹp ngủ trong rừng"
Trong chuyến công tác tại huyện Ea Kar, nghe giới thiệu về thác Bay, thói tò mò ham khám phá đã thôi thúc tôi tìm đến để được xem tận mắt cảnh trí, nghe tận tai âm thanh thác đổ, được vục mặt vào dòng nước đầu nguồn để cảm nhận, được đắm say dầm mình vào làn nước trong cảnh sơn thủy hữu tình...
Theo Quốc lộ 26 qua thị trấn huyện Ea Kar chừng 25 km, rẽ lối vào đường 691 nối ra Quốc lộ 29 tuyến Đắk Lắk – Phú Yên chừng 5 km, đến điểm đặt Trạm Kiểm lâm số 1 của Khu Bảo tồn rừng quốc gia Ea Sô, chúng tôi rẽ vào lối hẹp (bên hông của Trạm), một lối đi chỉ dành cho những “tay lái lụa” với chiếc mô tô từ 70 phân khối trở lên. Lối đi quanh co, băng qua thảm cỏ tranh đã ngả màu, luồn lách dưới những tán lá rừng. Giữa tháng 3, khi những cánh rừng khộp Tây Nguyên vào mùa rụng lá thì nơi đây cây vẫn xanh giữa đất trời ngút ngát xanh. Những cây bằng lăng của rừng nguyên sinh vỏ xù xì vảy nến, những cây keo tai tượng do con người trồng khoe chùm trái khô quăn queo với bao hình thù lạ lẫm, những cánh rừng le tràn sức sống; những dây giang, lá mây, cành bứa, nhánh ô rô... bên lối mòn cứ mướt mát xanh. Vài cặp chim cu đang “tỏ tình” thấy động vội vụt bay lên đậu trên nhánh cây gần đó, gật gù như hỏi nhau: “Gì thế nhỉ?”.
Vẻ đẹp thác Bay. |
Thác Bay cách Quốc lộ 26 chừng 3 km đường rừng. Chỉ đi xe máy được một nửa quãng đường tôi đành phải dừng xe để cuốc bộ. Đến được thác Bay, sự thỏa mãn trong tôi như dâng đến tận cùng. Đó là sự mãn nhãn với trời mây non nước giữa khung cảnh sơn thủy hữu tình; đó là được nghe âm vang của dòng nước nguồn đang vất vả luồn lách qua các khe đá để nhập vào một thung rồi đột ngột đổ ào ào từ độ cao trên 30m xuống một lũng nước xanh; đó là sự mát lành của nước nguồn đã gột rửa mồ hôi và bụi bặm cùng nỗi mệt nhọc sau quãng đường đầy lo âu chen trong sự tò mò và niềm háo hức; đó là sự cảm nhận hơi thở của rừng, sức sống của rừng... Nếu như ngoài kia, thị trấn Ea Kar đang 32 độ C thì lúc này, ở thác Bay chỉ chừng 25 độ C.
Trên đỉnh bờ bắc của thác là một bãi đá hoa cương thừa diện tích và địa hình cho những người đủ sức khỏe và hiếu động chạy nhảy, chụp ảnh hay tổ chức cuộc picnic dã ngoại vài chục người... Dòng thác đổ không ồn ào như bao dòng thác khác, dường như âm thanh của thác đã vút thẳng lên tận chín tầng mây để nói chuyện với trời, âm thanh của nước đã được rừng hút ngậm, được những phiến đá hoa cương kia giữ làm niềm yêu của riêng mình... nên ngồi nơi đầu thác, bạn cứ ôm đàn ngồi hát, những người chung quanh vẫn nghe được tâm tình của bạn gửi vào làn điệu đang cất lên, bạn cứ rủ rỉ tâm tình thì người đang sát vai vẫn nghe tiếng con tim của bạn.
Bên kia bờ bắc, một vách đá dựng đứng, đá chồng đá vợ, đá mẹ đá cha tầng tầng lớp lớp. Những khe lằn ngang như thể trán hoặc khóe mắt người hằn sâu do thời gian đếm tuổi, những khe lằn dọc để đoán rằng nỗi khó nhọc của con nước đầu nguồn dâng hiến khi gặp được mùa mưa.
Trông ngược hướng tây, núi non trùng điệp; trông xuống hướng đông, một hồ nước mênh mang, cuối hồ là những đá lô nhô như bộ ngực của hàng trăm hàng ngàn thanh nữ chặn tầm mắt mải dõi theo con nước.
Thác Bay chỉ là một đoạn rất ngắn của dòng Krông Năng đang mải miết chảy vào sông Ba, một diện tích rất nhỏ so với lưu vực có diện tích 13.900 km2, với chiều dài dòng chảy chính là 388 km, bắt nguồn từ đỉnh Ngọc Rô cao 1.549m của dãy Trường Sơn (thuộc tỉnh Gia Lai) rồi vượt muôn trùng gian lao mới hòa nhập được vào biển Đông qua cửa sông Đà Rằng (thuộc tỉnh Phú Yên). Đây cũng là một dòng chảy hiếm có ở Tây Nguyên khi dám đem nguồn nước tưởng rằng êm dịu từ bên tây cắt ngang dãy Trường Sơn để đến được với biển Đông.
Cái tên gọi Thác Bay chỉ ứng với mùa mưa, khi dòng nước kia không chỉ đổ thẳng xuống để tạo nên làn hơi lung linh sắc cầu vồng mà cuồn cuộn réo sôi bạo liệt khiến những phiến hoa cương dưới chân tôi đang đứng phải nổi vân, khiến dòng nước đổ từ độ cao 30 m kia bay ngang lưng trời mới đáp xuống thung sâu... Lần theo từng mỏm đá, từng sợi dây rừng, từng mảng rễ cây đủ độ vững chắc của thời gian đã trải qua hàng chục hoặc hàng trăm mùa mưa nắng, tôi cũng chỉ đến được lưng chừng thác để chụp vài pô ảnh bằng máy điện thoại. Lòng nuối tiếc trách mình không phải là nghệ sĩ nhiếp ảnh, trách mình không phải là họa sĩ, trách mình không phải là người biết chuyển tải cái đẹp đang lơ lửng treo trước mắt...
Thác Bay đẹp thế mà vẫn còn hoang sơ lắm. Thôi đành coi thác Bay giữa vùng lõi của Vườn Quốc gia Ea Sô thuộc huyện Ea Kar như nàng công chúa đẹp tuyệt vời đang miên man ngủ. Biết đâu ngày nào đó có chàng hoàng tử yêu và say nàng đến lay gọi và dắt nàng vào chốn thiên thai...
Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc