Multimedia Đọc Báo in

Tháng ba mùa lễ hội Ban Mê

08:54, 29/03/2018

“Tháng ba rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ, làng buôn vang tiếng chiêng múa hát, mẹ theo dấu chân rùa đi tìm nấm mối, bông lách bay để lại nụ cười…”. Bài hát “Tháng ba Tây Nguyên” ra đời đã hơn 60 năm, sao mỗi lần nghe lại vẫn thấy rộn ràng, tưng bừng quá. Giai điệu đẹp, lời hát hay, tả đến xao xuyến cả tâm hồn vì những bức tranh đẹp muôn thuở của núi rừng Tây Nguyên…

Tháng ba Tây Nguyên, bạt ngàn hoa cà phê nở trắng núi đồi, gió thơm ào ạt, lả lơi ùa vào lồng ngực. Tháng ba, lại đến mùa Ban Mê mở hội. Hai năm một lần là lễ hội cà phê; cũng hai năm một lần là Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột “đến hẹn lại lên”. Năm nay đã là lần thứ 10 tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số thành phố. Lễ hội năm nay có gì mới hơn, có gì vui hơn mà em náo nức, anh hồ hởi, mẹ cha, chú bác cũng thấy lòng rộn vui; xe máy, xe cày rầm rập, ầm ào chạy từ buôn phía đông, phía tây về buôn K’Dun,  buôn Cư M’blim hay Akô Dhông hôm nay vậy?

Thiếu nữ về dự hội.
Thiếu nữ về dự hội.

Chỉ riêng tiêu đề ngày hội vài năm nay đã khác, ban đầu chỉ là “các buôn đồng bào Êđê”, sau này thành “các dân tộc thiểu số thành phố Buôn Ma Thuột”. Trước đây, ngày hội thường tổ chức ở trụ sở các xã, nay đưa hẳn về từng cụm buôn, gần với các chủ thể văn hóa hơn. Vậy nên hình ảnh ấn tượng đầu tiên là trang phục Êđê đỏ đen rực rỡ từ 33 buôn chen bên áo trắng, mũ trắng Mường Hòa Thắng thanh thoát, sánh vai cùng nhóng nhánh bướm bạc ngực áo Thái Hòa Phú, nhung đen Tày mịn màng Ea Kao, khiến người xem ngắm say mê không chán. Sau sự đăng quang của Hoa hậu Êđê H’Hen Niê, du khách càng trầm trồ hơn với vẻ đẹp duyên dáng của các cặp thanh niên nam nữ dìu nhau vào hội thi thanh lịch trong nguyên sơ của trang phục truyền thống hay với thời trang hiện đại.

Trẻ tuổi ư? Hãy đến tham gia hoặc cổ vũ những cuộc đua tài đẩy gậy như ở buôn chàng Đam San thuở xưa, hay thi chạy cà kheo mang dấu vết của thời sông nước đâu đó thuở xa xưa nào. Nhảy bao bố, kéo co – những trò chơi dân gian luôn tạo sự hào hứng cho người xem.

Nếu là tuổi trung niên, chắc bạn sẽ thích ghé xem cuộc thi tay nghề dệt thổ cẩm “đụng vào khung cửi vải thành hoa” với những tấm váy áo sắc nét hoa văn cánh bướm, con nhện, cây xanh, hoa plang… lặng lẽ hiện dần trên khung dệt, kể câu chuyện hình dong nam nữ Êđê thuở nào.

Và vẫn là những bàn tay nghệ nhân tài hoa chuốt từng mảnh nan mỏng, kết từng sợi mây vàng thành chiếc gùi đung đưa đựng trái bắp, trái bí, vỏ bầu… trên lưng mẹ, lưng chị những sớm chiều lên rẫy hay về chợ Ban Mê.

Đội chiêng Mường  của thôn 1,  xã Hòa Thắng  (TP. Buôn Ma Thuột).  Ảnh: M. Sao
Đội chiêng Mường của thôn 1, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: M. Sao

Một nét mới của năm nay là những sản phẩm gùi đan, vải dệt, những tấm váy áo nguyên gốc hay cải tiến, kể cả những con búp bê diện trang phục thổ cẩm Êđê, được trưng bày để người xem hoặc du khách có cơ hội lựa chọn một thứ quà làm kỷ niệm ngày đến với lễ hội tháng ba Ban Mê

Và rồi vẫn là những câu dân ca ngọt ngào nhớ lời mẹ ru em ngủ ngon mùa suốt lúa, là nhịp điệu arei đối đáp gái trai rộn ràng các mùa lễ hội, điệu hát K’ứt tự sự tâm tình, lời đinh năm dập dìu, tiếng tù và vang vọng núi rừng gọi bầy voi nhà vào hội săn. Lắng một chút âm thanh tửng tưng của cây đàn tính Tày đang được đề nghị UNESCO vinh danh di sản; hay thưởng thức vũ điệu chim grư phiơr mềm mại uyển chuyển như muốn bay lên với vòm trời cao xanh, nhịp điệu tung còn trong vũ khúc còn lúng túng của những cô bé, cậu bé người Thái lần đầu được tham gia lễ hội. Hoặc thích thú tham dự một trích đoạn hạn khuống trên sàn đêm trăng của gái trai làng Thái; nếm miếng trầu cay têm cánh phượng trong bài ca mời trầu của các cô gái Mường…

Vẫn thậm thịch những tiếng giã chày đôi cho hạt gạo trắng tinh xoay tít trên sàng rồi chảy vào những nồi cơm, xôi trắng thơm ngạt ngào hương lúa mới; để rồi được các chị, các mẹ hối hả bày lên mâm ẩm thực dân tộc của buôn, thôn mình nào canh cà nấu đọt măng đậm vị đăng đắng, gỏi trứng kiến chua chua, trái núc nác xào thịt khô ngòn ngọt, cá, thịt heo, thịt bò um lá chuối, nướng ống nứa hay nướng trên lửa chấm muối ớt xanh… Bắt mắt hơn là món xôi ba màu trong những chiếc ếp tre đan, bên cạnh các món đặc trưng bí và bông bí xào, cá lóc nướng trui, canh măng chua… của đồng bào Tày, Mường, Thái. Rượu cần trong ché, rượu nếp cẩm, nếp trắng trong chai… tất cả đều nói theo kiểu dân dã là “thơm điếc mũi”. Kể chẳng hết nghệ thuật ẩm thực truyền thống các dân tộc thiểu số Ban Mê nay đã trở thành đặc sản quyến rũ thực khách tò mò. Ăn một lần cũng sẽ nhớ mãi.

Chừng đó thôi đã đủ để lòng tự hào về văn hóa cổ truyền của chính người dân các buôn, thôn TP. Buôn Ma Thuột được khơi gợi, đánh thức trong tâm hồn nhiều thế hệ, góp phần bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số trên thành phố cao nguyên này.

Mong sao thành phố sớm tổ chức những lớp bồi dưỡng hạt nhân truyền dạy đánh ching, truyền dạy dân vũ, để có thể làm nòng cốt ở các buôn, thôn, trẻ hóa dần đội ngũ những nghệ nhân còn giữ được nghệ thuật diễn xướng của chính tộc người mình.

Vẫn còn những “hạt sạn” không đáng có khiến ngày hội năm nay bớt đi phần hấp dẫn. Đó là sự quảng bá về ngày hội chưa đủ sâu rộng khiến không ít người dân địa phương chưa biết đến các hoạt động này. Việc hướng dẫn chế tác sản phẩm theo hướng thủ công mỹ nghệ phục vụ cho khách du lịch ngoài cộng đồng chưa trọn vẹn khiến số hàng thổ cẩm và đan mây tre vẫn phải lèn đầy bao mang về. Trong số 38 trưởng thôn, buôn lên nhận cờ lưu niệm của Ban tổ chức vẫn có những người không mặc trang phục truyền thống làm giảm đi vẻ đẹp lẫn tính trang trọng lễ hội của một vùng có tới hơn 40 dân tộc thiểu số cùng chung sống. Và giá mà có thêm những bức tượng gỗ nhỏ trong các mặt hàng làm quà lưu niệm cho du khách gần xa thì hay biết mấy? Và sao lại có thể lãng quên phong tục đến thế, khi mà ché rượu cần mời khách lãnh đạo, khách xa gần lại không lèn chặt lá để trấu nổi lềnh phềnh trên mặt nước?

Hơi buồn một chút khi những điệu hát K’ưt, những cây đàn đinh năm thiếu những gương mặt trẻ, chỉ cất lên từ những đôi tay, gương mặt đã hằn in nhiều dấu nét thời gian. Mai này còn ai biết ngẫu hứng nên câu hát K’ưt nữa không? Những vũ điệu nhạt phai truyền thống, lẫn lộn cả múa của tộc người khác và hiện đại, với âm nhạc không phải của dân gian mà từ sáng tạo của các nhạc sĩ chuyên nghiệp đâu có đủ sức làm rung động tâm hồn? Buồn, khi các bạn thanh niên gần như chỉ trình bày toàn các ca khúc sáng tác mới, rất ít bạn biết đến các bài dân ca… Còn buồn hơn nữa khi chỉ có lác đác những đội chiêng trẻ, nhiều dàn ching hàng chục năm rồi cũng chỉ gồm toàn các bậc lão niên.

Dẫu thế, tháng ba, khi lá vàng trút xuống xạc xào trên mặt phố, nhường chỗ cho lộc non xanh mướt sinh sôi gọi xuân cao nguyên về, Buôn Ma Thuột  vẫn vào mùa lễ hội. Hương và hoa cà phê cùng sắc màu văn hóa của gần 40 dân tộc anh em vẫn gọi mời bè bạn gần xa. Là điểm hẹn cho những yêu thương tìm về nguồn cội.  Tháng ba, hãy về với Ban Mê nhé!

                H’Linh Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.