Thú vị những trò chơi dân gian đầu xuân của người Mường
Những người con dân tộc Mường dù xa quê, đến vùng đất khác sinh sống lập nghiệp nhưng vẫn giữ được phong tục tập quán, cùng những hình thức sinh hoạt văn hóa tốt đẹp như tổ chức các trò chơi dân gian trong những ngày đầu xuân.
Vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm, bà con người Mường sinh sống trên địa bàn tỉnh như: thôn 6 xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông), xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột)… lại tổ chức Lễ hạ nêu (Lễ khai hạ) để bày tỏ lòng tôn kính với các vị thần linh, cầu mong cho xóm làng yên vui, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển. Đồng thời, cũng là dịp để dân làng tổng kết một năm lao động, sản xuất, mở đầu công việc cho một năm mới; gặp gỡ giao lưu để thắt chặt tình đoàn kết.
Dù được tổ chức ở nhiều nơi khác nhau, tên gọi trò chơi khác nhau và có nhiều biến thể tùy thuộc vào điều kiện kinh tế cũng như sự giao thoa về văn hóa vùng miền, nhưng cơ bản các trò chơi vẫn giữ được tinh thần và nét truyền thống của dân tộc Mường như: ném còn, đẩy gậy, nhảy bao bố, kéo co, leo cột mỡ…
Đối với người Mường, các trò chơi dân gian có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần vì nó phản ánh đời sống sinh hoạt, sản xuất, quan hệ giữa con người với con người và thiên nhiên; ngoài mục đích chính là giải trí còn có mục đích rèn luyện thể lực, trí óc, giáo dục con người. Khi hòa nhập vào trò chơi, con người như bước vào một thế giới mới, gạt bỏ mọi ưu phiền, mong vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Như trò chơi ném còn thu hút rất nhiều người tham gia. Thông thường, trước Tết Nguyên đán, dân làng sẽ chọn một cây tre thẳng dài khoảng 5 m, gắn trên ngọn một vòng tròn có đường kính 80 cm, bịt giấy bản màu đỏ làm cây nêu rồi chôn giữa bãi đất bằng phẳng. Quả còn thì được quấn bằng vải, có các dây tua xung quanh, rực rỡ với năm sắc màu. Các cặp đôi nam thanh, nữ tú thường được chọn để mở màn cho cuộc chơi bằng cách một người tung còn qua vòng tròn trên ngọn cây nêu, người đứng bên kia bắt được rồi ném trở lại. Cứ thế, cuộc chơi kéo dài đến hết lễ hội mà nhiều khi không phân nổi thắng thua; bởi những người chơi tung, hứng quá khéo léo.
Trò chơi ném còn còn được xem là “ông mối” xe duyên cho tình cảm lứa đôi. Nhiều chàng trai trước và trong khi chơi đã ngầm chọn cho mình một đối tượng để tung còn, chỉ chờ cô gái bắt được còn và đồng ý.
Trò chơi đẩy gậy đòi hỏi sức khỏe và sự khéo léo của người chơi. |
Thế nên, sau hội tung còn có nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng. Hội tan nhưng cây nêu vẫn để đó cho những ai ngày thường muốn cũng có thể chơi để cầu mong may mắn.
Nhiều trò chơi khác cũng không kém phần hấp dẫn, giúp người chơi rèn luyện thể lực. Như trò đẩy gậy, hai người chơi cùng đẩy 2 đầu một cây gậy 1m, gậy bị đẩy về phía ai thì người đó thua, vì thế đòi hỏi người chơi không chỉ có sức mạnh mà còn cần đến sự khéo léo. Trò kéo co lại cần đến sức mạnh tập thể với sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt để có thể giành được chiến thắng… Các trò chơi đã phản ánh sinh động nếp sinh hoạt, lao động của người dân, đó là khi làm việc rất cần biết tính toán, kiên trì và đoàn kết. Có thể nói, khi tham gia các trò chơi, giá trị giải thưởng không quan trọng ở mặt vật chất mà mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Đó được xem là sự khởi đầu của một năm mới đầy may mắn, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và đời sống khá giả.
Việc tổ chức các trò chơi dân gian trong các ngày hội văn hóa đầu xuân đã trở thành nét văn hóa đẹp của người Mường nói riêng và các dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn tỉnh nói chung. Nó không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân mà còn là cơ hội để lưu giữ văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc