Multimedia Đọc Báo in

Dấu xưa thành Điện Hải

07:20, 14/04/2018

Nằm ở tả ngạn sông Hàn, ngay cạnh Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng, những năm qua, thành Điện Hải luôn là địa chỉ đỏ được nhân dân và du khách bốn phương tìm đến tham quan, nghiên cứu, học tập.

Thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải, được khởi công xây dựng từ năm Gia Long thứ 12 (năm 1813) tại khu vực cửa biển nhằm thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tàu thuyền và trấn giữ Đà Nẵng. Đến năm Minh Mạng thứ 4 (năm 1823), đồn được dời đến vị trí hiện tại do vị trí ban đầu bị sạt lở, hư hại.

Thành Điện Hải được xây hoàn toàn bằng gạch, có chu vi 139 trượng (556 m), chung quanh có hào sâu 7 thước, cao 1 trượng 2 thước (gần 5 m), có một cửa hướng về phía đông, nhìn xuống sông Hàn, một cửa hướng về phía nam (cửa chính). Trong thành có hành cung, kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng. Thành hình vuông có 4 góc lồi, là một trong những công trình phòng thủ quan trọng nhất ở Đà Nẵng, được trang bị 30 súng đại bác cỡ lớn bố trí trên các ụ súng, quay mặt ra phía biển sẵn sàng nghênh chiến với tàu địch. Các khẩu súng được đúc bằng sắt, gang hoặc bằng đồng, khẩu to nhất nặng hơn 3 tấn, khẩu nhỏ nặng hơn 1 tấn.

Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha mang 14 chiếc thuyền cùng 2.500 quân lính nổ súng đánh Đà Nẵng, âm mưu biến nơi đây thành bàn đạp để tiến ra buộc triều đình Huế phải đầu hàng. Tuy phải đối mặt với một đội quân xâm lược nhà nghề, nhưng dưới sự chỉ huy của các tướng Đào Trí, Lê Đình Lý, đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương, các quan quân triều đình cùng nhân dân Đà Nẵng đã dựa vào thành Điện Hải và các đồn lũy giăng khắp nơi kiên cường chiến đấu. Sau một năm rưỡi sa lầy và chịu nhiều thiệt hại, ngày 23-3-1860 kẻ thù đành phải rút lui khỏi Đà Nẵng, chấp nhận sự thất bại. Chúng để lại dưới chân núi Sơn Trà một tháp hài cốt (người dân gọi là nghĩa địa Y – Pha – Nho), chôn cất nhiều sĩ quan và binh lính tử trận, tử nạn.

Du khách tham quan trong khuôn viên thành Điện Hải.
Du khách tham quan trong khuôn viên thành Điện Hải.

Với giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, Thành Điện Hải được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1988. Đúng 30 năm sau, công trình tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 25-12-2017. Tại lễ đón nhận sự kiện đặc biệt này, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Di tích thành Điện Hải là biểu tượng cho ý chí quật cường, tinh thần yêu nước và là minh chứng hùng hồn, sống động về cuộc chiến tranh của quân dân ta trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Từ năm 2016 đến nay, lãnh đạo thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp tiến hành các biện pháp bảo tồn di tích, chủ trương quy hoạch quảng trường văn hóa thành phố, trong đó Thành Điện Hải nằm ở vị trí trung tâm… Hy vọng rằng, sau khi được trùng tu, thành Điện Hải sẽ trở thành một địa chỉ đỏ trên bản đồ di tích văn hóa lịch sử thành phố, một điểm đến hấp dẫn để tham quan, nghiên cứu, học tập, giáo dục truyền thống cho nhân dân và du khách bốn phương”.

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, hiện nay địa phương đã khởi công dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích thành Điện Hải, sau đó sẽ tiếp tục khởi công dự án nâng cấp khu di tích Nghĩa trủng Khuê Trung (Nghĩa trủng Hòa Vang), nơi được xem là nghĩa trang liệt sỹ đầu tiên của cả nước, quy tập 1.500 ngôi mộ của những quan quân, nghĩa sĩ, đồng bào đã hy sinh trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc giữa thế kỷ XIX. Trong tương lai không xa, du khách tham quan sẽ lại được chứng kiến một Thành Điện Hải được phục dựng uy nghi, trầm mặc bên bờ sông Hàn, như đã từng tồn tại từ 200 năm trước.

An Khang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.