Vui Tết Bunpimay
Được hòa vào cùng các nghi lễ: đắp tháp cát, buộc chỉ cổ tay, té nước… tại lễ hội Tết Bunpimay do huyện Buôn Đôn và Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh tổ chức vừa qua ở xã Krông Na là niềm vui khó quên của nhiều người.
Hân hoan chào mừng lễ hội lớn nhất trong năm của các bộ tộc Lào, từ sáng sớm ngày 15-4, cộng đồng người Việt gốc Lào và đông đảo bà con các dân tộc xã Krông Na đã có mặt tại đảo Ay Nô, nơi diễn ra lễ hội Tết Bunpimay để cùng chung niềm vui. Cài lên mái tóc bông hoa chăm pa tươi sắc, xúng xính trong trang phục truyền thống, các thiếu nữ dân tộc Lào xinh đẹp nhanh chóng hòa mình vào các hoạt động ý nghĩa mà Ban tổ chức chương trình đã chuẩn bị công phu, chu đáo từ trước.
Đã thành truyền thống, Tết Bunpimay diễn ra với nhiều nghi thức độc đáo, mang đậm nét văn hóa Phật giáo. Sau nghi lễ “xày bạt – tắc bạt” (dâng quà, nhận quà), các nhà sư và đông đảo khách mời xếp thành hàng dài, hướng về dòng sông Sêrêpốk, tham gia lễ hội hoa đăng - thả bè xả xui - xua đi những điều không lành trong năm cũ.
Tắm Phật – một nghi thức thiêng liêng trong lễ hội Tết Bunpimay. |
Ngay sau lễ hội hoa đăng, các sư thầy kéo những sợi chỉ nhiều màu sắc từ bàn tay của tượng Phật đến với tất cả đại biểu và người dân dự hội. Hòa cùng lời kinh, sợi chỉ được nối dài như phát đi mọi lời cầu nguyện tốt nhất đến với mọi người, mọi nhà. Sau nghi thức thiêng liêng Tắm Phật (vẩy nước thơm được chế từ nước, dầu thơm, cánh hoa hoàng yến), sư thầy vừa đọc kinh, vừa nhẹ nhàng tiến gần đến các vị khách, tắm bó hoa tươi vào nước thơm và vẩy lên người khách thay cho những lời chúc tốt đẹp.
Một trong những nghi thức độc đáo của Tết Bunpimay nữa là lễ buộc chỉ cổ tay. Các sư thầy lần lượt buộc vào cổ tay khách mời các sợi chỉ màu trắng, xanh, đỏ - biểu tượng của sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc trong năm mới. Để lời chúc được hiệu nghiệm, người nhận không được tháo chỉ tay trong vòng ba ngày đầu tiên cho dù bất cứ lý do nào.
Sau nghi lễ đắp tháp cát (một phong tục, tín ngưỡng lâu đời của các bộ tộc Lào, tháp cát được trang trí bằng cờ, hoa hoàng yến) là hội té nước. Đây được xem là phần vui nhất trong lễ hội Tết Bunpimay. Người trẻ tuổi thường té nước vào người lớn tuổi nhằm tỏ lòng tôn kính, cầu chúc sức khỏe, sống lâu và thịnh vượng; bạn bè té nước vào nhau nhằm mong muốn năm mới vạn sự tốt lành. Mọi người hoan hỉ té nước với niềm tin càng được té nước nhiều sẽ càng hạnh phúc và gặp nhiều may mắn. Không chỉ vậy, họ còn té nước vào nhà cửa, vật cúng, của cải… với tâm niệm rằng, nước có thể gột rửa mọi điều xấu xa, bệnh tật và mang đến sức khỏe, niềm vui.
Hội té nước nhằm cầu chúc năm mới vạn sự tốt lành của người Lào. |
Kết thúc phần lễ, ca khúc “Hoa đẹp Chăm pa” cất vang, các thiếu nữ dân tộc Lào và đông đảo khách mời cùng say sưa thả hồn với điệu múa Lăm vông truyền thống. Trong tiếng nhạc du dương, cựu chiến binh Nguyễn Thị Thắng (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, dù bản thân chỉ có hai năm công tác tại nước bạn Lào từ cách đây rất lâu, nhưng tình cảm chân chất, mặn nồng của người dân nước bạn khiến bà không sao quên được. Hôm nay được cùng mọi người hòa vào điệu múa Lăm vông, bà như phần nào được sống lại khoảng thời gian gian khó mà nghĩa tình ấy. Còn với bà Nguyễn Thị Thủy (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) dù chưa một lần đặt chân lên nước bạn, nhưng điệu múa Lăm vông nhiều năm qua đã khiến bà say mê, quên đi mọi mệt nhọc trong cuộc sống…
Huyện Buôn Đôn hiện có 220 nhân khẩu là người Việt gốc Lào, sinh sống chủ yếu tại xã Krông Na. Lễ hội Tết Bunpimay được tổ chức hằng năm tại huyện Buôn Đôn không chỉ thể hiện sự tôn trọng phong tục, tập quán của nhân dân các bộ tộc Lào, mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa các bộ tộc Lào, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân gian của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Bunpimay (còn gọi là Bun hốt nậm hoặc Hội té nước) thường được tổ chức từ ngày 13 đến 16-4 dương lịch hằng năm. Đây là lễ hội lớn, trọng đại trong năm của các bộ tộc Lào, mang ý nghĩa của sự trong mát, phồn vinh và cầu may đến với mọi nhà, mọi người dân. Vượt qua khỏi khuôn khổ lễ hội Tết truyền thống, từ lâu Tết Bunpimay trở thành dịp để cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Buôn Đôn nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung giao lưu, thắt chặt thêm mối quan hệ đoàn kết, gắn bó. |
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc