Festival Huế 2018: Tỏa sáng miền di sản
Sau 6 ngày đêm (từ 27-4 đến 2-5) diễn ra nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật và du lịch đặc sắc trên địa bàn TP.Huế và các huyện, thị xã lân cận, Festival Huế 2018 đã khép lại bằng bữa “đại tiệc” giàu hương vị và màu sắc tại Lễ bế mạc được tổ chức tại Quảng trường Ngọ Môn – Kinh thành Huế vào tối 2-5.
Rộn ràng vùng đất Cố đô
Người dân xứ Huế cũng như du khách nói rằng, 6 ngày đêm vừa qua là khoảng thời gian rộn ràng nhất ở vùng đất Cố đô này, bởi ngoài hàng vạn người dân địa phương háo hức hưởng ứng Festival, còn có hàng trăm nghìn lượt người từ muôn phương tụ về chia sẻ, chung vui. Đặc biệt, sự kiện trên đã thu hút hàng nghìn nghệ sĩ, nghệ nhân từ 24 đoàn nghệ thuật thuộc 20 quốc gia và 12 đoàn chuyên nghiệp đại diện cho các vùng văn hóa ba miền Bắc – Trung – Nam về tham dự. Huế trở thành điểm hẹn để tất cả mọi người cùng tham dự các chương trình ca hát, nhảy múa, triển lãm, giao lưu, hội chợ, hội thảo...
Sâu lắng và nhiều thông điệp gửi đi từ Chương trình nghệ thuật “Văn hiến Kinh kỳ”. Ảnh: M.Tự |
Có thể nói từ quy mô ấy của Festival Huế 2018 đã cho thấy chính quyền và nhân dân Thừa Thiên – Huế đã có sự chuẩn bị tích cực và nỗ lực như thế nào trong những ngày diễn ra lễ hội. Điều đáng ghi nhận nhất - như ông Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức đánh giá là kỳ Festival lần này, ngoài sự chuyên nghiệp hóa cao độ ra, còn thể hiện rõ nét ý tưởng (sologan) đặt ra: Huế + 3 miền + 5 châu và 7 di sản nhân loại = Festival 2018. Từ công thức trên, Ban tổ chức đã tổ chức thực hiện hơn 100 sô diễn tại 15 sân khấu, từ Hoàng cung tỏa ra khắp các quảng trường, công viên, trường học, công sở, làng quê ven đô. Nhiều nhất là chương trình hưởng ứng của các nghệ sĩ chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, của người dân Huế lẫn du khách đầy ngẫu hứng và đậm đà màu sắc hội hè. Đó là các cuộc ca hát, triển lãm, thư pháp, đọc thơ, giao lưu, hội nghị, hội thảo... cho bất kỳ ai muốn tham gia Festival.
Trong “thực đơn” của Festival Huế 2018, món chủ đạo tất nhiên là "món Huế" tập trung trong 10 chương trình chính, chia đều trong 6 ngày đêm. Trong đó, chương trình "đinh" có tên gọi "Văn hiến Kinh kỳ" diễn ra trong 2 đêm (28 và 30-4) tại sân Điện Cần Chánh đã làm nổi bật 5 di sản văn hóa của Huế đã được UNESCO công nhận di sản nhân loại. Qua đó dẫn dắt người xem đồng hành và hiểu thêm lịch sử vùng đất Huế nói riêng và cả nước nói chung trong gần 150 năm tồn tại triều Nguyễn - nền quân chủ phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Chương trình Nghệ thuật tổng hợp "Âm vọng sông Hương", câu chuyện về tình yêu của người dân vùng sông nước Hương Giang được tái hiện trên sân khấu chìm dưới mặt nước sông Hương cũng là điểm nhấn khá thành công trong “tổng phổ âm nhạc Festival Huế 2018” làm lay động trái tim nhiều người.
Ngoài ra, còn có thêm 2 di sản nhân loại khác cũng tham gia sân chơi Festival Huế lần nay, đó là Tín ngưỡng thờ mẫu với cuộc “Liên hoan hát văn, chầu văn toàn quốc” và Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ tại "Chợ quê ngày hội" ở cầu ngói Thanh Toàn, góp phần kết nối và tỏa sáng miền di sản “có một không hai” ở dải đất miền Trung Việt Nam này.
Chủ động chọn "của ngon vật lạ"
Theo ông Nguyễn Dung, Festival Huế lần thứ 10, không còn phải cất công đi “mời mọc” nữa, mà các đoàn nghệ thuật tranh nhau đăng ký tham gia. Vì vậy, Ban tổ chức đã chủ động hơn, hay nói chính xác là được quyền lựa chọn "món ngon" từ các nơi gửi về để bày biện, sắp đặt cho bữa “đại tiệc” thêm thịnh soạn.
Đoàn ca múa Đắk Lắk tham gia Lễ hội đường phố tại Festival Huế 2018. Ảnh: M.Tự |
Hai ban nhạc Lysistrata và Berywam (đều đoạt quán quân Giải Âm nhạc danh tiếng của Pháp là Ricard S.A và Prix du Jyry des Inouis năm 2017) được Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tuyển chọn đến Festival Huế 2018 đã làm khán giả cháy hết mình qua những sô diễn tại Cung An Định và Quảng trường Ngọ Môn. Đại sứ quán Úc cũng giới thiệu ca sĩ Deni góp mặt, làm mê đắm người yêu nhạc xứ Huế và du khách gần xa bằng chất giọng "mịn mượt như sôcôla cùng vẻ đẹp hoang dại". Ca sĩ Noa (Achinoam Nini) cũng là “diva” hàng đầu được Đại sứ quán Israel "đem chuông đi đánh xứ người", khiến những người khó tính nhất cũng phải khen ngợi và ngất ngây trước nội lực “solo” của cô. Nước Bỉ thì đưa sang chương trình nghệ thuật thị giác mang tên "Miệng núi lửa 6899" từng nổi danh ở châu Âu. Mông Cổ đưa đến “Bước chân du mục” trên thảo nguyên. Nga có múa dân gian vùng Xibêri… Các đoàn đến từ châu Phi, Colombia, Mexico, Morocco và Đoàn múa sư tử của Nhật, dàn Nhạc gõ của Hàn Quốc, đi cà kheo của Bỉ... càng làm cho phần hoạt động văn hóa dân gian trên các sân khấu, cũng như đường phố Huế trong dịp Festival thêm đa dạng và đầy sắc màu.
Dù đã khép lại, nhưng Festival Huế 2018 vẫn còn đọng lại dư âm, dư vị ngọt ngào trong lòng mọi người. Tất cả lại hẹn nhau đến kỳ tới và Huế lại trở thành điểm hẹn với tư cách là thành phố Festival của Việt Nam và thế giới.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc