Giấy hôn ước - minh chứng tình yêu của người Êđê
Với nhiều người, giấy kết hôn là minh chứng cho mối quan hệ vợ - chồng, còn người Êđê chừng đó thôi chưa đủ, "Hră bi kuôl ung mố mrâo" - tạm dịch “Giấy kết hôn vợ chồng mới” còn là sợi dây gắn kết bền chặt tình nghĩa vợ chồng.
Trước khi giấy kết hôn vợ chồng mới này được ký thì đôi trai gái phải trải qua các nghi thức: trưởng họ nhà gái đến đặt chuyện, lễ dạm hỏi, thỏa thuận thách cưới... Nội dung trong đó ghi rõ họ tên đôi vợ chồng mới, đại diện trưởng họ, chú bác hai bên nhà trai - nhà gái, người làm chứng, địa điểm diễn ra lễ ăn hỏi... kèm theo đó là khoản tiền sính lễ buộc nhà gái phải mang sang cho nhà trai như: Ngăn păh êmuh (khoản cho người chủ trì lễ ăn hỏi); đí adôk (khoản dành cho bố mẹ đỡ đầu của chú rể); kơ amiêt awa (khoản cho chú bác); kơ amí (cho mẹ); kơ ama (cho bố); kơ amai adei (cho anh chị em ruột)… Ở mục cuối cùng là các điều khoản cam kết giữa cặp vợ chồng trẻ nếu sau này ai làm trái với các quy định trên thì sẽ bị làng phạt thật nặng.
Đôi vợ chồng trẻ ký vào giấy kết hôn sau khi hoàn tất các thủ tục. |
Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp chứng kiến nghi thức “hỏi chồng” trang trọng của người Êđê cho cô dâu H’Ly Ka Niê (20 tuổi, ngụ buôn Cuôr Đăng B, huyện Cư M’gar) với chàng trai Y Goa Mlô (23 tuổi ở buôn Ako Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột). Với vai trò là trưởng dòng tộc họ Niê kiêm chủ hôn, ông Y Diơm Niê đại diện phía nhà gái dẫn theo hơn 20 người trong dòng họ đến thỏa thuận kén rể cho cháu gái là H’Ly Ka. Nhà trai thách cưới lễ vật gồm: tiền mặt, chăn thổ cẩm, 1 con heo... Hai bên thỏa thuận đến đâu ông thư ký bên cạnh ghi chép chi tiết đến đấy để bổ sung vào giấy kết hôn đem đi đánh máy đưa cho vợ chồng mới ký, sau đó đem đi photo cho hai gia đình và chủ hôn giữ mỗi người một bản. Đồng thời, trưởng họ dặn dò đôi vợ chồng trẻ cách đối nhân xử thế khi đã nên duyên vợ chồng cũng như phải làm sao để cả hai hiểu nhau hơn trong cuộc sống thường ngày.
Cuối cùng là đôi trai gái cùng cầm bút ký vào tờ giấy hôn ước chính thức nên duyên vợ chồng. Anh Y Goa chia sẻ: “Đây không chỉ là minh chứng tình yêu suốt thời gian qua của mình dành cho cô ấy mà còn là sợi dây thắt chặt và dõi theo bước chân của chúng tôi mãi mãi về sau”.
Không chỉ đơn thuần là giấy kết hôn, đây còn là “bảo bối” giúp các đôi vợ chồng hàn gắn lại mỗi khi “cơm không lành canh không ngọt”. Khi vợ chồng có chuyện bất hòa, cãi vã lại lấy tờ giấy kết hôn ra đọc các điều khoản đã cam kết để hóa giải …
Y Goa Mlô và H’Ly Ka Niê trong ngày thỏa thuận thách cưới. |
Già Y Diơm Niê, trưởng họ Niê ở Buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng (Cư M’gar) cho biết: Trước kia khi cưới, người Êđê chỉ thỏa thuận và cam kết bằng miệng trước sự chứng giám của hai bên dòng tộc, nay thì hiện đại hơn họ đánh máy luôn bằng văn bản cho tiện. Với người Êđê giấy kết hôn mang ý nghĩa rất quan trọng, ngoài chứng nhận tình yêu, đây cũng là một vật chứng để sau nay làm căn cứ pháp lý nếu giữa những người trong cuộc làm trái những quy định đã cam kết trước đó. Cụ thể, căn cứ vào việc xem xét lỗi thuộc về ai trước để giúp hai bên hòa giải; trường hợp một trong hai người ngoại tình sẽ bị làng phạt thật nặng như đã cam kết là sẽ đền gấp đôi khoản tiền sính lễ, đồng thời đốt cho cả làng một con heo 50 kg để tạ tội…
Djuang Niê
Ý kiến bạn đọc