Multimedia Đọc Báo in

Giữ nhịp chiêng cho buôn làng

08:29, 19/05/2018

Sau hơn 40 năm kể từ khi rời Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) đến buôn Kon Wang (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) định cư, lập nghiệp, dù còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào Xê Đăng tại đây vẫn luôn giữ gìn và lưu truyền cồng chiêng qua nhiều thế hệ.

Nối dài nhịp chiêng dân tộc

Già Kuang (sinh năm 1930) nhớ lại, hồi giải phóng năm 1975 ông cùng người dân địa phương tới buôn Kon Wang lập nghiệp, tất cả còn mới mẻ, kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng tiếng chiêng, tiếng cồng vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Rất nhanh chóng, người dân trong buôn đã cùng nhau họp lại, bàn bạc để thành lập một đội chiêng gồm 12 thành viên, lúc đó già Kuang là thành viên trẻ nhất.

Già còn nhớ, lúc mới chuyển đến chỉ có một vài hộ có cồng chiêng, nên phải cắt cử người về Kon Tum mua, làm thêm chiêng tre mới có đủ chiêng để đội chiêng sử dụng. Tuy còn nhiều thiếu thốn nhưng đội chiêng và người dân ở đây không nản chí . Chỉ cần có thời gian rảnh rỗi là đội chiêng lại tập trung  để cùng nhau tập luyện. Đội chiêng của già Kuang ngày càng hoạt động mạnh, thường xuyên tập trung biểu diễn phục vụ buôn làng, tham gia biểu diễn ở nhiều  nơi.

Các em trong đội chiêng trẻ đang tập luyện.
Các em trong đội chiêng trẻ đang tập luyện.

Đến nay, có nhiều người đã mất đi, già Kuang cũng đã già yếu nhưng vẫn mong mỏi truyền lại đam mê, những gì mình biết cho thế hệ sau. Năm 2005, một đội chiêng mới của buôn lại được thành lập với sự tham gia của 17 thanh niên trong buôn. Đó là thế hệ của những người sinh năm 1970 trở về sau như anh A Tiếp, A Siêu, A Điết… Ngay từ ban đầu, họ đã được các già làng răn dạy rằng, muốn đánh chiêng tốt trước hết cần có lòng đam mê vì nếu không đam mê thì không thể gắn bó lâu dài. Cùng với đó, người đánh chiêng còn phải biết vận dụng các giác quan để phối hợp cùng cả đội thật nhịp nhàng, hoàn chỉnh. Thế nên, truyền lại nét đẹp văn hóa đó không chỉ truyền cách thức biểu diễn cồng chiêng mà quan trọng hơn là truyền lại lửa đam mê của nhiều thế hệ ông cha để thế hệ tiếp sau biết trân trọng, giữ gìn.

Lan tỏa đam mê cồng chiêng

Em Sun Ba Tra (học sinh lớp 7, Trường THCS Ea Yiêng) từ nhỏ đã rất yêu thích cồng chiêng, thường đi theo bố (anh A Siêu) để xem bố cùng các bác trong đội cồng chiêng già biểu diễn. Em được bố cho làm quen, chỉ dạy cách đánh một số nốt cơ bản. Năm 2016 Sun Ba Tra tham gia đội chiêng trẻ của buôn  gồm 24 thành viên chủ yếu là học sinh cấp 2.  Một số em sau khi lên cấp 3 phải ra ngoài thị trấn trọ học cuối tuần mới về nên  có các em nhỏ khác thay thế, vậy nên thanh niên biết đánh cồng chiêng ngày càng tăng lên.

Từ khi thành lập đến nay, cứ vào 2 giờ chiều chủ nhật hằng tuần, một số thành viên trong đội chiêng già như anh A Tiếp, A Siêu… lại tận tình chỉ dạy cho đội chiêng trẻ, còn các già làng trong buôn như già Kuang thường xuyên đến nghe để góp ý và chỉ bảo thêm. Vì vậy, dù mới thành lập gần 2 năm nhưng các em trong đội chiêng đều đã đánh thành thạo được rất nhiều bài chiêng, được mời tham gia biểu diễn vào các ngày lễ hội của buôn làng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Đội chiêng trẻ tham gia biểu diễn trong lễ hội Buôn vui chơi – buôn ca hát tại địa phương.
Đội chiêng trẻ tham gia biểu diễn trong lễ hội Buôn vui chơi – buôn ca hát tại địa phương.

Không chỉ dừng lại ở đó, tham gia đội chiêng trẻ còn giúp các em học được tính hòa thuận, đoàn kết, bởi vì khi đánh chiêng đòi hỏi các bạn trong đội phải đoàn kết, tập trung cao độ mới không bị phô, rớt nhịp. Trung bình một bài các em phải tập liên tục trong vòng hơn 1 tháng mới thành thạo được, nếu ai sai cả đội lại tiếp tục đánh lại từ đầu cho đến khi các thành viên đều đã phối hợp nhịp nhàng.

Anh A Tiếp, đội trưởng đội chiêng già cho biết, hiện đội có 2 bộ chiêng đồng và một số chiêng tre nhưng đã bị hư hỏng nhiều không đủ cho các em luyện tập. Thay vì hạn chế số lượng các em tham gia đội chiêng, anh Tiếp đã vượt hơn 50 cây số, lặn lội tìm sang huyện Krông Bông tìm đến vùng có tre tốt để lấy về làm chiêng. Anh chọn những cây tre già nhất, thân tre dài nhất đem về phơi khô sau đó lại tỉ mỉ đẽo, gọt, căn chỉnh để chiêng có âm thanh chuẩn nhất, bảo đảm  đủ số lượng cho đội chiêng trẻ tập luyện.

Việc giữ nhịp cồng chiêng cho buôn làng luôn được đồng bào Xê Đăng tại buôn Kon Wang coi là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cá nhân nhằm lan tỏa niềm đam mê, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.