Multimedia Đọc Báo in

Hiện vật trong di tích: Bao giờ bớt "trống rỗng"?

08:25, 06/05/2018

Sau khi di tích được các cấp thẩm quyền công nhận và xếp hạng thì hiển nhiên nó được xem là vốn tài sản quý báu, giúp cho chủ thể sở hữu phát huy giá trị nhằm góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị di tích trên địa bàn Đắk Lắk hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn.

Thiếu kinh phí đầu tư, tôn tạo

Vấn đề này đang xảy ra đối với hầu hết 29 di tích được công nhận và xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia trên địa bàn tỉnh. Trong đó đáng nói nhất là các di tích lịch sử khá nổi tiếng ở TP. Buôn Ma Thuột như Nhà đày, Biệt điện Bảo Đại… do thiếu kinh phí đầu tư, tôn tạo nên chưa hấp dẫn du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm.        

Ông Trần Hùng,  Trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh cho hay: Sau gần 5 năm (2013 – 2017) nỗ lực tìm mua, phục dựng lại không gian, nội thất Biệt điện Bảo Đại cho đầy đủ và xứng đáng với giá trị lịch sử vốn có của nó nhằm mục đích phục vụ du lịch, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, nhưng đến nay  hiện vật có được ở đây vẫn còn quá “mỏng”. Nguyên nhân cũng do kinh phí eo hẹp, chỉ trên dưới 200 triệu đồng thì chỉ đủ phục dựng lại bộ bàn ghế làm việc, tiếp khách cùng vài hình ảnh (sao chép chứ không phải nguyên gốc) về ông vua cuối cùng triều Nguyễn đã từng làm việc và lưu lại ở đây trong bối cảnh lịch sử đầy biến động 1949 – 1954. Còn lại mọi vật dụng sinh hoạt, cũng như các  tư liệu liên quan đến vị Cựu Hoàng và vùng đất “Hoàng triều cương thổ” này thì hoàn toàn không có, hay nói đúng hơn là không thể tìm lại hoặc phục dựng được, bởi kinh phí để làm việc này là vô cùng lớn. 

Di tích Biệt điện Bảo Đại (số 4 - Nguyễn Du, TP. Buôn Ma Thuột).
Di tích Biệt điện Bảo Đại (số 4 - Nguyễn Du, TP. Buôn Ma Thuột).

Tương tự, ở di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột những hiện vật lịch sử có được ở đây vẫn còn rất ít ỏi, chỉ có một vài văn bản sự vụ, tư liệu và hình ảnh được các tổ chức, cá nhân liên quan trao tặng, hoặc mua lại từ Trung tâm lưu trữ Quốc gia mà thôi. Còn số hồ sơ, hình ảnh về hàng nghìn cựu tù chính chị bị giam cầm, đày ải ở đây vẫn chưa có điều kiện và nguồn lực để sưu tầm, phục dựng lại đầy đủ được.  Vì thế, nói như bà Kpă Tố Nga, phụ trách khu di tích này, việc thuyết minh, giới thiệu với du khách đến tham quan và tìm hiểu về phong trào đấu tranh cách mạng của những người yêu nước ở đây trước giai đoạn tiền khởi nghĩa 1945 còn đơn điệu và nhàm chán, khiến giá trị lịch sử của di tích trở nên mờ nhạt và không để lại ấn tượng trong lòng mọi người.

 

“Nếu được đầu tư, tôn tạo đúng mức thì các di tích lịch sử trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn, đồng thới là địa chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng bổ ích và sinh động cho thế hệ trẻ. Theo đó, số lượng du khách đến đây tham quan, trải nghiệm sẽ đạt mức 40.000 – 50.000 lượt người/năm, chứ không dừng lại con số 24.000 lượt người/năm như hiện nay”.

 
 
Ông Trần Hùng, Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh

Nhiều người cho rằng những di tích lịch sử trên chỉ còn lại “phần vỏ”,  còn bên trong không có hoặc có quá ít hiện vật thật sự có giá trị để tôn tạo, nâng tầm di tích, khiến ý nghĩa và sự lan tỏa của nó giảm sút đi rất nhiều.

Cần nguồn lực tập trung hơn

Theo ông Trần Hùng, từ khi Trung tâm Quản lý di tích tỉnh được thành lập vào đầu năm 2009 (nay đổi thành Ban Quản lý) thành cơ quan chuyên biệt để tham mưu cho Sở VH-TT-DL về các vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn, bảo tàng và phát huy giá trị di tích trên  địa bàn Đắk Lắk,  việc “chăm chút” đến vốn di sản quý báu này có phần tích cực hơn. Theo đó, kinh phí cũng được UBND tỉnh bố trí kịp thời và thường xuyên hơn, nhưng so với yêu cầu thực tế thì vẫn không thể đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội đặt ra. Với trên dưới 200 triệu đồng mỗi năm cho việc bảo tồn và phát huy 4 di tích lịch sử do đơn vị quản lý (Biệt điện Bảo Đại, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Đồn điền CADA và Đình Lạc Giao) thì chẳng khác gì “muối bỏ biển”. Số kinh phí ấy chỉ tạm trang trải cho công tác bảo tồn, còn việc phát huy di tích với đầy đủ ý nghĩa và tiêu chuẩn quốc gia đặt ra thì chưa thể. Do vậy,  có thể nói các di tích lịch sử được công nhận trên địa bàn Đắk Lắk nói chung, đặc biệt là các di tích được xếp hạng cấp quốc gia chỉ mới giữ lại được “phần xác” mà thôi, còn “phần hồn” – yếu tố quan trọng và quyết định giá trị và chất lượng của di tích vẫn còn là mối bận tâm lâu dài.

Tái hiện cảnh tù chính trị ở Nhà đày.
Tái hiện cảnh tù chính trị ở Nhà đày.

Theo ý kiến người trong cuộc, để khắc phục vấn đề này, chính quyền địa phương cần quan tâm nguồn lực đầu tư một cách tập trung hơn cho từng dự án trùng tu, tôn tạo di tích, không nên dàn trải, chia đều theo kiểu “mỗi nơi mỗi ít” cho có để cố cầm cự qua ngày từ nguồn kinh phí của Trung ương lẫn địa phương. Hy vọng đây cũng là một trong những giải pháp tích cực để góp phần cùng với nhiều mối quan tâm khác từ trong nước và quốc tế thông qua các chương trình, dự án hợp tác và phát triển văn hóa tài trợ thêm nhằm làm “sống lại” các di tích lịch sử.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.