Huyện Cư M'gar: Nhiều lễ hội truyền thống được duy trì, khôi phục
Những năm gần đây, huyện Cư M’gar đã chú trọng duy trì, khôi phục được nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn. Qua lễ hội không chỉ phát huy, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc mà còn giúp đời sống tinh thần của nhân dân thêm phong phú.
Huyện Cư M’gar có 25 dân tộc anh em cùng chung sống (trong đó 47% dân số là người DTTS) với đa dạng phong tục tập quán mang bản sắc đặc trưng của mỗi vùng miền, dân tộc. Từ năm 2007 đến nay, huyện đã duy trì, khôi phục được 14 lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Trong đó, có 3 lễ hội mang tầm cấp huyện là: Mừng lúa mới của người Xê Đăng, được tổ chức ngày 1-1 hằng năm tại buôn Kon Hring, xã Ea H'đing; Ăn cơm mới của dân tộc Thái, tổ chức vào ngày 10-10 hằng năm tại buôn Thái, xã Ea Kuêh và Lễ hội Lồng Tồng diễn ra ngày Mùng 6 tháng Giêng hằng năm tại thôn 3, xã Cư M’gar. Những lễ hội như cúng bến nước, cúng sức khỏe, cầu mưa… của dân tộc Êđê được cấp xã tổ chức vào hầu hết các mùa trong năm.
Lễ hội Mừng lúa mới của dân tộc Xê Đăng tại buôn Kon H’ring, xã Ea H’đing. |
Đến hẹn lại lên, cứ dịp sau Tết Nguyên đán (ngày mùng 6 tháng Giêng) hằng năm, tại cánh đồng thôn 3, xã Cư M’gar lại diễn ra Lễ hội Lồng Tồng (hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng). Đây là lễ hội truyền thống của người dân tộc Tày, Nùng, mở đầu cho một mùa sản xuất mới, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vật nuôi sinh sôi nảy nở. Ông Y Noen Niê, Chủ tịch UBND xã Cư M’gar cho biết, người dân tộc Tày, Nùng di cư vào địa bàn xã Cư M’gar lập nghiệp từ khoảng năm 1990. Với nhu cầu lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống, từ năm 2009, huyện Cư M’gar đã phục dựng lại Lễ hội Lồng Tồng để người dân trên địa bàn huyện đến hội tụ, giao lưu. Bên cạnh nghi thức cúng tế, tại ngày hội còn có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ như hát then, hát đối, hát lượn…; thi ẩm thực truyền thống và các trò chơi dân gian: ném còn, đi cầu kiều, bịt mắt đánh trống...
Anh Nông Văn Hùng ở thôn 7, xã Cư M’gar chia sẻ: “Chúng tôi là lớp trẻ sinh ra và lớn lên ở Đắk Lắk, trước đây chỉ biết đến các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc mình qua lời kể của ông bà, bố mẹ. Từ khi địa phương tổ chức khôi phục Lễ hội Lồng Tồng thì ai cũng háo hức, mong chờ. Lễ hội đã giúp cho những thế hệ con, cháu của đồng bào Tày, Nùng được sinh ra, lớn lên trên vùng đất mới như chúng tôi vẫn nhớ về nguồn cội, giữ gìn và tô thắm thêm những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình”.
Các tiết mục văn nghệ tại Lễ hội Mừng lúa mới của dân tộc Xê Đăng tại buôn Kon H’ring, xã Ea H’đing. |
Hằng năm, sau khi thu hoạch xong mùa màng và chuẩn bị cho một mùa rẫy mới, đồng bào Êđê ở buôn Sút M’grư, xã Cư Suê lại tổ chức Lễ cúng bến nước theo phong tục của dân tộc mình. Đây là nghi lễ quan trọng trong hệ thống các nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, tuy nhiên, những năm qua đã bị mai một. Từ năm 2011, xã Cư Suê bắt đầu khôi phục lễ cúng bến nước, do chính già làng và cộng đồng trong buôn thực hiện và duy trì mỗi năm một lần. Lễ cúng bến nước được tổ chức với mong muốn cầu thần linh phù hộ cho buôn làng có nguồn nước sạch, không bao giờ cạn, mọi người trong buôn được mạnh khỏe, lúa, ngô đầy kho, nhà nhà no đủ.
“Sau khi được khôi phục, các lễ hội trên địa bàn đã thực sự “sống” lại và lan tỏa sâu rộng, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc trong huyện, góp phần khôi phục môi trường văn hóa dân gian truyền thống và phát huy các giá trị di sản phi vật thể”.
Ông Y Mang, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư M’gar
|
Trưởng buôn Sút M’grư Ama Hồng cho biết, những năm gần đây, các cháu thanh thiếu niên trong buôn tham gia ngày Lễ cúng bến nước rất đông, đây cũng là điều đáng mừng để thế hệ trẻ gìn giữ phong tục cha ông. Thông qua lễ cúng, người dân trong buôn, xã có dịp ngồi lại, nghe già làng kể sử thi truyền thống; đồng thời giáo dục cộng đồng ý thức bảo vệ rừng, nguồn nước, một tài nguyên thiên nhiên quý quá. Qua đây cũng thắt chặt tình đoàn kết, giao lưu học hỏi nhau phát triển kinh tế. Nhờ đó, những năm gần đây trong buôn không còn tình trạng thanh niên gây gổ, đánh nhau với thôn, buôn khác nữa, tình hình an ninh trật tự luôn bảo đảm ổn định.
Theo ông Y Mang, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư M’gar, ngày nay, các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Cư M’gar được tổ chức có quy mô và sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước; có sự kết hợp giữa lễ thức truyền thống, văn hóa dân gian thu hút đông đảo người dân tham gia. Lễ hội được duy trì, khôi phục về bản chất đều giống với các lễ hội xưa kia gồm hai phần lễ và hội, được đông đảo nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Công tác chuẩn bị và tổ chức lễ hội bảo đảm chu đáo, an toàn, tiết kiệm, văn minh và phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Phần “lễ” được tổ chức trang nghiêm, ngắn gọn, không có các lễ nghi, lễ vật phản cảm, bảo đảm ý nghĩa lịch sử, văn hóa và mang đậm tính giáo dục truyền thống, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Phần “hội” được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.
Lê Quốc
Ý kiến bạn đọc