Multimedia Đọc Báo in

Khám phá núi Bà Rá

08:56, 05/05/2018
Núi Bà Rá cao 732 m, thuộc huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước. Ngọn núi được đồng bào dân tộc S’tiêng gọi với cái tên thành kính là “Bơnom Brah”, có nghĩa là “ngọn núi thần”.        

Từ ngã tư thị xã Đồng Xoài, du khách đi theo Quốc lộ 741 hướng Phước Long chừng 50 km sẽ đến núi Bà Rá. Núi Bà Rá cách thị trấn Thác Mơ, huyện Phước Long khoảng 5 km. Xe khách, xe máy có thể chạy lên đồi Bằng Lăng nằm ở khoảng 1/3 độ cao so với đỉnh Bà Rá. Đường trải nhựa, quanh co khá dốc, hai bên là rừng rậm, thỉnh thoảng có những lạch nước nhỏ chảy tràn qua lộ… Tại đồi Bằng Lăng, dựa vào vách núi có một nhà bia tưởng niệm trang trọng, ghi công các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh. Núi Bà Rá trong chiến tranh là căn cứ cách mạng, là chiến trường vô cùng ác liệt. Năm 1925, Pháp cho xây tại chân núi Bà Rá một nhà tù lớn để giam cầm chính trị phạm. Bên sườn núi phía tây là nơi đội công tác cách mạng núi Bà Rá từng bám trụ và gây nhiều nỗi kinh hoàng cho địch. Vào lúc 18 giờ ngày 2-1-1974, quân cách mạng đã đánh chiếm núi Bà Rá và sau đó giải phóng thị xã Phước Long vào ngày 6-1-1975.

Đồi Bằng Lăng (núi Bà Rá).
Đồi Bằng Lăng (núi Bà Rá).

Nếu du khách thích khám phá và có sức khỏe thì nên đi bộ theo những lối mòn lên núi. Leo núi Bà Rá sẽ cho bạn nhiều cảm xúc và sự hưng phấn. Nên khởi hành lên núi từ 9 giờ sáng, lúc ấy sương mù đã tan, du khách có thể thưởng  thức được toàn cảnh quan chung quanh ngọn núi kỳ vĩ này. Từ nhà bia đi lên núi chừng 30 m có một cây bằng lăng cổ thụ cao gần 50 m, chiều rộng chừng 10 người ôm chưa giáp tay, tàng lá xanh um, dáng vẻ thâm nghiêm.

Để leo núi và có thể nghỉ đêm trên đỉnh Bà Rá, du khách nên trang bị gọn nhẹ với giày vải đi rừng, áo gió và ba lô đựng những vật dụng cá nhân cần thiết cho một chuyến du khảo. Lương thực có thể mang theo như bánh mì, mì gói, thịt cá hộp, nước suối… Nếu không thích leo núi, du khách có thể lên đỉnh bằng cáp treo (được đưa vào sử dụng từ tháng 3-2010). Ngồi trên ca-bin cáp treo ngắm không gian bao la dưới chân núi cũng là cảm giác vô cùng thú vị.

Đường lên đỉnh Bà Rá trước đây rất hiểm trở, len lỏi qua những khu rừng nguyên sinh dày đặc, dốc đá cheo leo. Bây giờ, đường đã được mở rộng, lát đá  thông thoáng. Từ đồi Bằng Lăng, du khách leo khoảng hơn 1.760 bậc tam cấp là lên đến đỉnh. Dọc đường lên núi, cảnh vật hoang sơ, lãng mạn với những rừng trúc, lồ ô xen kẽ với bằng lăng, sao, dầu lông và rừng cây bụi như mua, sim, trâm ổi. Dây leo bò bao phủ, chằng chịt khắp nơi. Thỉnh thoảng du khách nghe được tiếng chim chìa vôi, họa mi, chích chòe hót ríu rít, vang lên tràng dài và tiếng cu rừng gáy vọng phía triền núi xa. Không khí trên núi rất mát mẻ, trong lành.

Đứng trên đỉnh Bà Rá, ta có thể quan sát một khu vực rộng lớn chung quanh bạt ngàn một màu xanh bất tận. Hồ Thác Mơ mênh mông có diện tích trên 12.000 ha như một mặt gương khổng lồ, phẳng lặng và đẹp như tranh vẽ. Đây là nơi cung cấp nước cho Nhà  máy thủy điện Thác Mơ hiện đại. Trên đỉnh núi Bà Rá có tháp ăng ten của Đài Phát thanh truyền hình Bình Phước, cao 48 m. Ở đây còn có Miếu Bà là nơi hành hương, cúng viếng của nhiều khách thập phương. Thời chiến tranh, quân đội Mỹ đã xây dựng trên đỉnh Bà Rá một căn cứ quân sự khá hiện đại, dấu tích bây giờ vẫn còn.

 Nếu lên núi vào những đêm có trăng (từ mồng 10 đến 20 âm lịch), du khách sẽ thấy mình như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh với trăng ngàn, gió núi đẹp hoang sơ và lãng mạn. Khi trời tối hẳn, du khách có thể cùng bạn bè ra sân trước Miếu Bà ngồi trên những tảng đá, ngắm nhìn vầng trăng huyền ảo cùng những ánh đèn lung linh của thị trấn Thác Mơ dưới chân núi. Và, lửa trại được đốt lên, với một cây đàn ghi-ta, bạn đã có thể trải lòng hòa mình với thiên nhiên, bè bạn… Một đêm ngủ trên đỉnh Bà Rá sẽ cho du khách cảm giác lâng lâng với nhiều ấn tượng khó quên.

Trong rừng của núi Bà Rá có nhiều  loại cây gỗ quý của rừng nhiệt đới như: cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật, sao, dầu, bằng lăng... Động vật của rừng có nhiều loài thú quý như beo, chồn, nhím, vượn, khỉ... Trên núi có  những hang đá rất kiên cố, bí hiểm như hang Hòn Đá Đen, hang Dơi, hang Cây Sung, hang Gió…  
 
Hoàng Thám
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.