Khi di tích bị xâm hại nghiêm trọng
Từ khi Nghị định số 70/2012/NĐ - CP ngày 18-9-2012 của Chính phủ và Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28-12-2012 của Bộ VH-TT-DL có hiệu lực thi hành đã từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả pháp lý và chuyên môn trong hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh (gọi chung là hoạt động tu bổ di tích) trên địa bàn cả nước.
Những văn bản pháp lý này quy định trình tự, thủ tục rõ ràng và cụ thể về việc lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế… nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tổ chức tư vấn, triển khai thực hiện, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động quản lý và tu bổ di tích, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành phố đã để xảy ra tình trạng tu bổ di tích không hoàn toàn đúng với hồ sơ đã được thẩm định, hoặc xây dựng công trình phục vụ bảo vệ, phát huy giá trị di tích khi chưa có ý kiến thẩm định, phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Ví như trường hợp xây dựng công trình trái phép tại Quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình, cổng Tam quan chùa Bổ Đà - Bắc Giang, tượng Bà Chúa Xứ tại Núi Sam - An Giang… khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc. Trước thực trạng ấy, một lần nữa Bộ VH-TT-DL ra văn bản số 1125/BVHTTDL-DSVH ngày 23-3-2018, yêu cầu các Sở VH-TT-DL trên cả nước tăng cường công tác quản lý Nhà nước, chủ động kiểm tra, rà soát và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tu bổ di tích đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về Di sản văn hóa.
Biệt điện Bảo Đại (TP. Buôn Ma Thuột) là một trong số các di tích được tôn tạo, khai thác phát triển du lịch. |
Có thể thấy, hoạt động tu bổ di tích một cách tùy tiện như “căn bệnh trầm kha” đã và đang có chiều hướng lan rộng trên địa bàn cả nước. Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, nguyên nhân của nó là do quá trình “di sản hóa” diễn ra như một phong trào, không có “đỉnh” và cũng chẳng có “đáy” để kiểm soát và quản lý. Vậy vì sao các nghị định, thông tư đã quy định cụ thể nhưng vẫn xảy ra tình trạng trên? Thực tế thời gian qua phần lớn để xảy ra sai phạm là do cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát. Phải chăng xuất phát từ cách nghĩ di sản của địa phương mình giản đơn, nhỏ bé và kém lộng lẫy… nên mới cố đổ tiền bạc, công sức vào tôn tạo (làm mới) để nó được to đẹp hơn mà quên rằng giá trị lịch sử khách quan và giá trị văn hóa của di sản có được mới là điều cốt yếu. Thêm nữa, cũng có không ít tổ chức, cá nhân “thương mại hóa” di sản nhằm phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng, hay nói đúng hơn là biến di sản thành “thực đơn” du lịch để kiếm lợi nhuận.
Vậy tình trạng trên có xảy ra trên địa bàn tỉnh không ? Còn nhớ trong cuộc họp của ngành VH-TT-DL hồi đầu năm 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đã lưu ý rằng: Tu bổ di tích không đơn thuần là một dự án phát triển, việc quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Ở địa bàn Đắk Lắk hiện nay vẫn có một số điểm biểu hiện rõ nét về “căn bệnh” trên. Chẳng hạn như nhà nghỉ Bảo Đại nằm trong quần thể danh thắng Hồ Lắk là một ví dụ - công trình lịch sử này đã qua tay nhiều đơn vị, doanh nghiệp quản lý và sử dụng mà không được kiểm tra, giám sát đúng thủ tục quy định khiến nó bị biến dạng đáng kinh ngạc. Đáng nói hơn là khi nhà nghỉ này được giao cho doanh nghiệp quản lý, đưa vào khai thác phục vụ du lịch của huyện Lắk thì nó được cải tạo, nâng cấp nhưng theo kiểu chắp vá nên trông nhếch nhác và phản cảm hơn. Sở chủ quản phải nhanh chóng chấn chỉnh việc này và theo đó phải đưa ra công cụ tổ chức, quản lý và vận hành một cách khoa học, hữu hiệu để danh thắng cấp quốc gia Hồ Lắk không rơi vào tình trạng “mạnh ai nấy làm”, khiến dư luận bất bình như đã từng xảy ra với Quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình, chùa Bổ Đà - Bắc Giang và tượng Bà Chúa Xứ tại Núi Sam - An Giang…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đây thật sự là một cảnh báo mà cộng đồng sở hữu di tích lẫn cơ quan có thẩm quyền không thể không lưu tâm.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc