Multimedia Đọc Báo in

Một vòng xứ biển Bạc Liêu

09:44, 27/05/2018
Đến với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), du khách có thể dừng chân nơi xứ biển Bạc Liêu để tham quan, khám phá những di tích, danh lam thắng cảnh, nghe kể những câu chuyện hấp dẫn đã trở thành những giai thoại của vùng đất này.

Biển Nhà Mát cách thành phố Bạc Liêu chừng 8 km, du khách đi theo cầu dẫn của nhà hàng Hương Biển xuyên qua rừng bần bông tim tím một đỗi sẽ thấy  biển bao la dập dờn sóng vỗ. Nước biển đậm màu phù sa bồi đắp cho vùng duyên hải, ấy cũng là đặc điểm, ưu thế của biển phương Nam. Tham quan công trình điện gió dọc theo bờ biển, bạn sẽ thán phục bàn tay và khối óc con người đã bắt thiên nhiên sản sinh ra dòng điện từ năng lượng gió vô tận. Ở khu vực biển Nhà Mát, du khách còn đến chiêm bái tượng Phật Bà Nam Hải - công trình văn hóa tâm linh nổi bật nhất ở Bạc Liêu. Tượng Phật Bà Nam Hải đã được xây dựng từ năm 1973, hoàn thành vào đầu năm 1975. Tượng cao 11 m, đứng sừng sững giữa không gian thoáng đãng, mặt hướng ra biển Đông giữa khung cảnh mênh mông hùng vĩ.

Từ trung tâm thành phố Bạc Liêu, du khách qua cầu Kim Sơn (cầu Quay) đi thêm 1 km rồi rẽ phải vào con đường nhỏ chừng 300 m sẽ đến khu di tích mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892 – 1976) – người khai sinh ra bài “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng, tiền thân của vọng cổ ngày nay. Khu mộ của ông mới được xây dựng lại trang nghiêm, hoành tráng. Xuyên cổng tam quan giả cổ lợp ngói đỏ, đi qua một khoảng sân rộng, du khách sẽ đến nhà mộ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và phu nhân. Nhà mộ trang trọng và gọn, đẹp, được trang trí thanh nhã. Bên phải cạnh mộ ông là hai ngôi mộ của ông bà cụ thân sinh nhạc sĩ… Nhà tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu khang trang, rộng rãi; giữa chính điện có tượng đồng bán thân của nhạc sĩ; hai bên chính điện có nhiều hiện vật trưng bày; trên vách treo nhiều hình ảnh ghi lại cuộc đời, thân thế sự nghiệp của ông.

Công trình điện gió  ở khu vực biển Nhà Mát.
Công trình điện gió ở khu vực biển Nhà Mát.

Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc, “Dạ cổ hoài lang” khởi điểm từ nhịp 2. Đó là sáng tác độc đáo khởi nguyên của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Khi "Dạ cổ" hòa nhập vào sân khấu cải lương thì hai soạn giả Huỳnh Thủ Trung (tức Tư Chơi) và Mộng Vân (Trần Tấn Trung) đã góp công nâng, biến bản nhạc gốc này từ nhịp 2 trở thành nhịp 4. “Tiếng nhạn kêu sương” là bản “Vọng cổ hoài lang” nhịp 4 đầu tiên do soạn giả Huỳnh Thủ Trung (1907 - 1964) sáng tác vào năm 1925. Trên chặng đường phát triển, khi bản “Vọng cổ hoài lang” được nâng lên nhịp 8 (từ năm 1934 đến 1944) thì nó có tên mới là “Vọng cổ” (bỏ hai chữ “hoài lang”). Từ khoảng 1944 - 1954, vọng cổ tăng lên nhịp 16. Kế tiếp, đến năm 1955 - 1964 tăng lên nhịp 32. Từ năm 1965, vọng cổ hình thành nhịp 64 cho tới nay.

Nhìn ra rạch Bạc Liêu gần cầu Cao Văn Lầu ngày nay là một dải quần thể  “nhà Tây”. Ở đây có các cụm biệt thự, nhà cổ, dinh thự, công sở được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20. Một số vật liệu xây dựng các công trình này được đem từ nước Pháp sang như: thép đúc sẵn, cửa lá sách, gạch lót nền… Nhà  của “Công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy do cụ thân sinh là ông Trần Trinh Trạch xây dựng năm 1919 trên một khu đất rộng rãi, thoáng đãng với kiến trúc cân đối, hài hòa mang phong cách phương Tây cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Tầng trệt có 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh; tầng trên có 3 phòng ngủ, 2 đại sảnh. Khu nhà cổ này được Công ty Du lịch Bạc Liêu sử dụng làm nhà hàng khách sạn “Công tử Bạc Liêu” từ năm 2003. Du khách có thể thuê phòng nghỉ đêm và ăn uống, sinh hoạt tại nhà “Công tử Bạc Liêu” với giá cả có thể chấp nhận được. Một số vật dụng trong khu nhà cổ này vẫn còn được giữ lại đến nay; khá nhiều hạng mục đã được phục chế lại nhưng vẫn giữ lại dấu ấn của một gia đình đại phú thời Pháp thuộc. Ngoài nhà “Công tử Bạc Liêu”, thành phố Bạc Liêu còn có hơn 30 căn nhà cổ như thế. Đây là một di sản văn hoá đặc trưng của Bạc Liêu trong thời kỳ Pháp thuộc, phản ánh một giai đoạn lịch sử có nhiều thăng trầm, biến động trên vùng đất này.

Nhà Công tử Bạc Liêu.
Nhà Công tử Bạc Liêu.

Khi màn đêm buông xuống, trên chiếc bàn mà công tử Bạc Liêu ngày xưa tiếp khách, nấu trứng bằng những tờ giấy bạc 10 đồng Đông Dương, bạn có thể ngồi nhâm nhi hải sản và nghe các cô gái xinh xắn duyên dáng mặc áo bà ba phục vụ đàn ca tài tử… Trong tiếng đàn nguyệt thánh thót, tiếng đàn tranh réo rắt du dương, tiếng ngân nga não nuột của người “ca nữ” hát khúc “Dạ cổ hoài lang”, bạn sẽ thấy mình như được ngược vể quá khứ, với hoài cảm trong lòng nhớ về thuở rất xa xăm trên vùng đất phương Nam nhiều huyền thoại…

Đặng Hoàng Thám
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.