Multimedia Đọc Báo in

Người dân Cư San bảo tồn văn hóa truyền thống

08:24, 11/05/2018

Xã Cư San (huyện M’Đrắk) thành lập năm 2007, được tách ra từ hai xã Krông Á và Ea Trang, gồm 1.664 hộ, 8.139 nhân khẩu, với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống. Do đa phần dân cư là đồng bào dân tộc phía Bắc vào định cư (chiếm 99,8% dân số toàn xã) nên mỗi thôn, xóm nơi đây đều mang những đặc trưng riêng, gắn với nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ở huyện M’Đrắk, người Mông di cư vào sinh sống rải rác ở các xã Ea M'đoal, Cư Kroá và tập trung phần lớn ở các thôn 7, 8, 9, 11, thôn Ea Sanh thuộc xã Cư San. Trên quê hương mới, cuộc sống người Mông có nhiều đổi thay nhưng đồng bào vẫn giữ gìn, duy trì được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình. Đồng bào Mông ở xã Cư San ăn Tết sớm hơn Tết Nguyên đán của anh em người Kinh. Trong những ngày Tết, bà con các thôn thường tập trung tại những khoảng đất trống, rộng rãi để vui chơi, múa hát, ném pao, chơi cù, múa khèn, cùng nhau mổ heo, gà đón Tết... Đặc biệt, người Mông ở Cư San vẫn mặc trang phục truyền thống trong đời sống hằng ngày. Chị Lý Thị Dí (thôn 7, xã Cư San) làm nghề may trang phục truyền thống cho biết, trang phục cổ truyền của phụ nữ Mông gồm: váy, áo xẻ ngực, yếm lưng, có tấm vải che phía trước và vuông vải nhỏ che lưng phía sau, thắt lưng, khăn quấn đầu, chân vấn xà cạp; váy hình nón cụt, xếp nhiều nếp xoè rộng. Ngày nay, trang phục phụ nữ Mông có vài thay đổi phù hợp với cuộc sống hiện đại, điều kiện lao động song cơ bản vẫn giữ nguyên những nét truyền thống cơ bản. Hiện nay, phần lớn phụ nữ Mông có gia đình tại xã Cư San đều có thể tự may cho mình những bộ đồ truyền thống của dân tộc.

Thầy cô giáo Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Cư San) đang tập tiết mục múa khèn của người Mông.
Thầy cô giáo Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Cư San) đang tập tiết mục múa khèn của người Mông.

Cộng đồng dân tộc Dao sinh sống tại các thôn Tăk Drung, Sông Chò, Ea Krông và thôn 6 cũng giữ gìn được nhiều phong tục truyền thống độc đáo, trong đó có lễ cấp sắc (còn gọi là lễ lập tịnh) - một trong những nghi lễ độc đáo của người Dao. Theo ông Triệu Văn Triểu, thầy cúng cấp sắc tại xã Cư San, cấp sắc là một nghi thức đặc trưng và không thể thiếu được của đàn ông người Dao, được tiến hành một lần duy nhất trong đời. Người đàn ông phải trải qua lễ cấp sắc mới được cộng đồng công nhận đã trưởng thành, được tham gia các hoạt động văn hóa, tín  ngưỡng của dòng họ. Lễ cấp sắc của người Dao gồm nhiều nghi lễ như: đặt tên âm, lễ cấp sắc 3 đèn, lễ cấp sắc 7 đèn, lễ cấp sắc 12 đèn và lễ đội đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn tổ tiên... Thời gian tiến hành lễ cấp sắc kéo dài từ 1-5 ngày, ngày tháng thực hiện cấp sắc được chọn rất cẩn thận. Sau khi các thầy khấn, làm các thủ tục, xin âm dương, thần linh, người được cấp sắc sẽ chính thức được đặt tên âm và được công nhận là người đã trưởng thành. Trong lễ cấp sắc có phần cấp đạo (pháp danh) cho người thụ lễ với 10 điều cấm và 10 điều nguyện. Trong nghi thức của lễ cấp sắc có các điều răn dạy với nội dung hướng con người tới cái thiện, sống có đạo đức, có nhân cách, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Ðây cũng là nghi lễ thể hiện khát vọng về cuộc sống ấm no và hạnh phúc, thắm tình đoàn kết của đồng bào Dao.

Người Dao tại xã Cư San luôn mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ hội.
Người Dao tại xã Cư San luôn mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ hội.

Ông Vũ Văn Kim, Bí thư Đảng ủy xã Cư San cho biết, trong những năm qua, chính quyền xã cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn xã; đồng thời loại bỏ những hủ tục lạc hậu. Cụ thể như: chú trọng tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, không theo tà đạo, không cúng ma khi có người ốm, không làm đám ma quá 3 ngày; tổ chức các ngày hội “thôn vui chơi, thôn ca hát” với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: múa lửa của người Dao, múa khèn của người Mông, hát then của người Tày, múa đồng tiền, các trò chơi dân gian như: đánh cù, ném pao… Các trường học cũng tăng cường phổ biến, truyền dạy văn hóa, phong tục tập quán của các đồng bào dân tộc tại địa phương cho học sinh; phối hợp tổ chức các cuộc thi múa, trang phục dân tộc....

                Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.