Multimedia Đọc Báo in

Như còn đây bóng Bác giữa Tỉn Keo Phú Đình

08:19, 12/05/2018

Những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi thực hiện cuộc hành trình về vùng ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Thủ đô gió ngàn, nơi cách đây 71 năm, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chọn để lập căn cứ cách mạng. Trong quần thể di tích ATK Định Hóa, có một địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc, được coi là trung tâm của căn cứ kháng chiến ATK, gắn với Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ: đồi Tỉn Keo.

Di tích lịch sử lán Tỉn Keo nằm trên đồi Tỉn Keo thuộc thôn Nà Lọm, xã Phú Đình (Định Hóa, Thái Nguyên). Đứng ở dưới nhìn lên, đồi Tỉn Keo có hình đầu ngựa, cây cối mọc um tùm, chủ yếu là cây trẩu, măng vầu, móc rừng, cọ, xung quanh là những cánh đồng lúa bát ngát, xa xa là bản làng với những ngôi nhà sàn chênh vênh bên dòng suối Đình, núp sau những rặng tre. Cảnh sắc bình dị mà thật thơ mộng.

Lán Tỉn Keo là nơi Bác Hồ dừng chân để cùng Bộ Chính trị chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong những năm tháng cam go nhất. Đối với người dân Phú Đình, từ những tháng ngày diễn ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến nay, Tỉn Keo luôn là “Phủ Chủ tịch của lòng dân”, là nơi lưu giữ hình ảnh Bác Hồ kính yêu trong lòng ATK Định Hóa. Hình ảnh một cụ già đội nón, mặc áo nâu, có chòm râu dài và đôi mắt rất sáng, dáng đi nhanh nhẹn trên bờ ruộng mà người dân nơi đây vẫn gọi bằng cái tên giản dị “ông Ké” vẫn in sâu trong tâm hồn người dân nơi đây. 

Lán Tỉn Keo.
Lán Tỉn Keo.

Sau Ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã nhận thấy Định Hóa (Thái Nguyên) là vùng đất có địa thế thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng, trong đó, Tỉn Keo đã đáp ứng được các tiêu chí: “Trên có núi, dưới có sông/Có đất ta trồng, có bãi ta chơi/Tiện đường sang Bộ Tổng/Thuận lối tới Trung ương/Nhà thoáng, ráo, kín mái/Gần dân, không gần đường”. Nhờ những thuận lợi đó, Bác Hồ đã chọn Tỉn Keo là nơi ở và chỉ đạo cuộc kháng chiến. Phía sườn đồi, có đường hào, hầm được đồng bào bố trí đào ngay khi Bác về ở và làm việc.

Nơi đây, tại căn lán đơn sơ giữa núi rừng Định Hóa, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã họp và chỉ đạo, bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân (1953 - 1954). Cuộc họp quan trọng diễn ra vào ngày 6-12-1953 để quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã diễn ra đúng thời điểm, đúng kế hoạch và giành được thắng lợi mang tính quyết định, làm nên một kỳ tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam.

Dù đã trải qua hơn 70 năm kể từ khi Bác Hồ ở Tỉn Keo, nhân dân xã Phú Đình vẫn kể lại cho thế hệ trẻ nghe những câu chuyện về Bác, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, người mà ngay từ khi đặt chân tới nơi đây đã được đồng bào kính trọng, đùm bọc, bảo vệ. Những tháng ngày ở trên đồi Tỉn Keo, dù bận trăm công nghìn việc, dù phải chỉ đạo cuộc kháng chiến với những chiến dịch lớn nhưng Bác vẫn không quên hòa mình vào thiên nhiên, cỏ cây hoa lá. Còn đây cây bưởi Đoan Hùng mà cán bộ, nhân dân Phú Thọ tặng Bác được Bác ươm trồng ngay cạnh lán đến nay vẫn tỏa bóng xanh tốt. Còn đó lũy tre do Bác trồng, biểu tượng cho sức mạnh và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Hàng dâm bụt nở hoa đỏ thắm trước lán Tỉn Keo gợi lên tình yêu quê hương, xóm làng của Bác.

Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh đèo De ở ATK Định Hóa.
Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh đèo De ở ATK Định Hóa.

Bước chân theo những bậc được tạo bởi cây tre và dây mây rừng, lên đỉnh đồi Tỉn Keo, phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ quan sát được cảnh làng bản của xã Phú Đình. Thấp thoáng sau những lùm cây xanh là những căn nhà sàn bình yên, con suối Đình róc rách uốn lượn quanh bản làng. Con đường làng rộng mở, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang. Gặp đồng bào Tày nơi đây, ai ai cũng một vẻ mặt tươi cười, chất phác và mến khách. Ấm no, hạnh phúc và bình yên đang hiện diện nơi vùng đất này, đúng như mong ước năm xưa của Bác Hồ kính yêu.

Tỉn Keo là một “địa chỉ đỏ” để thế hệ trẻ hướng về nuôi dưỡng ý chí và nghị lực. Về thăm đồi Tỉn Keo trong những ngày tháng 5 lịch sử, trong lòng chúng tôi dâng lên niềm tự hào về lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu, tự hào về Thủ đô gió ngàn và lịch sử hào hùng của dân tộc. Bác đã đi xa nhưng dường như ở nơi đây vẫn thấp thoáng dáng hình, bước chân và giọng nói ấm áp của Người.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.