Bảo tồn bến nước Kbăng Kiêu
Kbăng Kiêu - theo tên gọi của đồng bào Êđê: Kbăng có nghĩa là giếng và Kiêu là cây xoài. Có cách gọi này là bởi một điều đặc biệt: ở bến nước Kbăng Kiêu chỗ dẫn nguồn nước ra không phải từ ống tre, nứa cắm vào mạch nước mà là từ rễ của một cây xoài rừng rất lớn mọc ngay ở bến nước. Khi mạch ngầm chảy ra, nước sẽ chảy trực tiếp xuống bể nước nhỏ bên dưới được xây kiên cố bằng đá, có độ sâu gần 60 cm, rộng khoảng 1 m, dài hơn 2 m. Khi lấy nước, bà con dùng ca nhựa, gáo múc nước từ đó rót vào các chai, can nhựa và bỏ vào gùi, “cõng” nước về. Theo những người dân ở buôn A, cây xoài này đã hơn 100 tuổi, quanh năm xanh tốt, xòa tán rộng che bóng mát cho cả bến nước, bà con trong buôn coi đây là món quà mà các vị thần linh đã ban tặng, giúp duy trì nguồn sống của buôn làng. Ông Y Thúc Byă, nguyên Bí thư Chi bộ buôn A cho biết, khoảng năm 1998 Sở Tài nguyên và Môi trường đã về xã lấy 3 mẫu nước tại 3 nơi: bến nước Kbăng Kiêu (buôn A); giếng nhà ông Ama Phi (buôn B) và giếng nhà ông Ama Tôny (buôn B) để kiểm tra và cho kết quả giếng Kbăng Kiêu rất sạch, lớp phèn có tỷ lệ thấp, có thể uống trực tiếp không cần phải nấu sôi. Vì vậy bao năm qua người dân các buôn gần xa trong xã, nhất là 5 buôn Dang Kang, buôn A, buôn B, buôn Chư Kpăm và buôn Mới hằng ngày đều đến đây lấy nước và dùng uống trực tiếp không qua đun nấu. Chị H’Ren Kpơr, người dân buôn A cho biết, từ khi còn rất nhỏ, chị thường xuyên theo mẹ đến bến lấy nước, nước ở đây rất sạch; gia đình có hai vợ chồng nên mỗi ngày đều đến lấy nước một lần.
Người dân lấy nước ở bến nước Kbăng Kiêu. |
Lễ cúng bến nước ở đây vẫn được duy trì hằng năm và trở thành lễ cúng linh thiêng nhất trong năm của các buôn làng. Hằng năm các buôn trong xã sẽ phân chia nhau phụ trách. Lễ cúng bến nước diễn ra với mong muốn cầu mong thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, cho mọi người có sức khỏe dồi dào, làm ăn gặp điều may mắn và buôn làng đoàn kết thương yêu nhau, cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp.
Bến Kbăng Kiêu có nguồn nước dồi dào quanh năm, nước từ bến chảy theo mương ra ruộng nằm cạnh đó giúp đồng ruộng xung quanh bến nước tươi tốt, lúa cho năng suất cao. Năm 2015 với sự hỗ trợ UBND xã Dang Kang, cùng sự góp sức của thanh niên tình nguyện Trường Đại học Tây Nguyên, bến nước đã được cải tạo, tu sửa lại, đoạn dốc xuống bến được xây thành các bậc thang, nền bến và rãnh thoát nước đều được bê tông hóa giúp bà con đi lại thuận lợi hơn. Tuy nhiên, công trình bến nước qua thời gian cũng hư hỏng ít nhiều, xung quanh bến nước rất ít cây xanh nên dễ bị xói mòn. Đáng ngại hơn, phía trên đầu bến nước là phần đất rẫy trồng cây cà phê và cây điều của một số hộ trong buôn, từ đó phân bón, thuốc trừ sâu sẽ ngấm xuống đất dễ làm nguồn nước bị ô nhiễm. Ông Y Thúc Byă trăn trở, cây xoài chính linh hồn của bến nước, nếu cây xoài đổ bến nước cũng không còn, cho nên bến nước cần được bảo vệ, gia cố. Cần thiết vận động các chủ rẫy trồng nhiều cây rễ cọc, ít hút nước xung quanh bến nước để giữ đất và phủ xanh bến nước, góp phần bảo vệ cảnh quan xanh, sạch, đẹp, đảm bảo nguồn nước dồi dào cung cấp cho sinh hoạt hằng ngày của buôn làng.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc