Độc đáo văn hóa tảo mộ của người Tày trên Tây Nguyên
Người Tày từ Cao Bằng di cư đến xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) vào những năm 1980. Sống trên quê hương mới nhưng đồng bào Tày ở Buôn Đôn vẫn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống; đặc biệt là văn hóa tảo mộ trong ngày Tết thanh minh với những phong tục độc đáo.
Đến xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) vào đúng dịp Tết thanh minh, bạn sẽ chứng kiến cảnh tượng hàng trăm người quây quần bên mâm cỗ giữa các ngôi mộ. Đây là phong tục đẹp, là dịp để con cháu trong gia đình nhớ về tổ tiên, hiểu thêm về nguồn cội, và cũng là dịp sum họp gia đình, dòng họ.
Bà Nông Thị Làu (thôn 2, xã Tân Hòa) cho biết: Tết thanh minh vào ngày 3-3 âm lịch, là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Tày. Con, cháu, dâu, rể người Tày dù có “đi ngược về xuôi” cũng không quên về tảo mộ cho những người đã khuất ở quê nhà. Ngay từ đêm mùng 2 (âm lịch), nhiều gia đình đã chuẩn bị gạo nếp, đậu đỗ, gà, hoa quả, tiền vàng, hương, nến… để sáng sớm mùng 3 có mâm cỗ thịnh soạn dâng kính lên bàn thờ tổ tiên và một mâm cỗ mang đến mộ của người đã khuất. Những gia đình có điều kiện khá giả hơn còn nấu cả một bữa tiệc với tất cả các món để lễ cúng được tươm tất.
Mâm cỗ cúng Tết thanh minh của người Tày. |
Việc cúng trong ngày tảo mộ thường gồm hai phần: phần cúng ở nhà và phần cúng tại mộ. Đồ cúng tùy thuộc vào hoàn cảnh của con cháu; nhưng thường có thịt gà, cá, thịt lợn, hoa quả, bánh kẹo và một món ăn đặc trưng đó là xôi. Điều đặc biệt và ấn tượng trong ngày tảo mộ là mỗi gia đình sẽ có mâm cỗ riêng để cúng tổ tiên, mỗi người con trong nhà sau khi lập gia đình thì sẽ phải tự chuẩn bị một mâm cỗ riêng, còn người con chưa lập gia đình vẫn sẽ được chung mâm cỗ với bố mẹ. Trong mâm cỗ nhất định phải có rượu và xôi ngũ sắc có màu sắc được làm từ lá “khẩu cắm” tự trồng. Ngoài ra, còn có món “khâu nhục” được làm từ thịt heo và khoai lang – món ăn truyền thống của người Tày từ bao đời nay.
Sáng mùng 3-3 (âm lịch), khi mặt trời mọc, các gia đình mang mâm cỗ cùng nhiều vật dụng khác mang đến nghĩa trang có người thân yên nghỉ. Ở đây, người ta quét dọn, sơn sửa lại mộ hoặc dọn sạch cây cỏ xung quanh rồi đắp đất cho ngôi mộ thêm cao, thêm đầy. Sau đó, cỗ được bày ra và những nén hương được thắp lên, các con cháu khấn bái rồi ngồi xung quanh hàn huyên chuyện trò, đến khi hương tàn thì cùng nhau thưởng thức rượu, trà, cỗ cùng với người dưới mộ. Theo quan niệm của người Tày cổ, mỗi năm chỉ có một ngày người âm và người dương gặp lại nhau nên việc trò chuyện, ăn uống cùng nhau vừa giúp người đang sống thỏa nỗi nhớ mong, vừa giúp người đã khuất vơi bớt nỗi cô quạnh. Riêng ngôi mộ mới được chôn cất, người ta đi tảo sớm hơn một ngày, tức là ngày mùng 2-3 âm lịch. Khắp các ngôi mộ được cắm cây nêu với nhiều màu sắc sặc sỡ do chính tay người thân cắt tỉa khéo léo để thể hiện tình cảm sâu nặng đối với người mới khuất.
Những cây nêu cắm mộ. |
Bà Nguyễn Thị Hảo (thôn 7, xã Tân Hòa) chia sẻ: “Tảo mộ là phong tục có từ xa xưa người Tày mà ông bà truyền lại, nên mỗi năm dù cho sinh sống ở bất cứ đâu, chúng tôi đều cố gắng duy trì tục tảo mộ của dân tộc mình. Bởi vì, đây là phong tục vừa thể hiện nét văn hóa, trách nhiệm và sự kính hiếu của con cháu đối với ông bà tổ tiên, vừa là dịp để răn dạy thế hệ trẻ tưởng nhớ đến tổ tiên, qua đó cầu mong sức khỏe, tài lộc và may mắn trong năm mới”.
Lê Liên
Ý kiến bạn đọc