Điện Trường Bà - nơi gắn kết cộng đồng dân tộc
Di tích điện Trường Bà thuộc thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), là nơi thờ bà Thiên Y A Na (Mẹ xứ sở). Nơi đây còn gắn liền với quá trình tụ cư lập nghiệp của người Việt trong buổi đầu đi mở đất ở phía Nam.
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, điện Trường Bà là nơi thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na hay bà Chúa Ngọc, vốn là thần Mẹ xứ sở của người Chăm. Theo truyền thuyết, ngày xưa miền đất Thanh Bồng (nay là hai huyện Trà Bồng và Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) còn rậm rạp, hoang vu, có rất nhiều thú dữ, Thánh mẫu Thiên Y A Na đã diệt ác thú, khử yêu ma, khai sơn trị thủy và giúp dân làm ăn. Từ đó, nhân dân vùng Thanh Bồng được sống an lạc, no đủ. Để tỏ lòng cảm tạ công đức của bà, nhân dân đã lập đền thờ phụng.
Theo hồ sơ di tích điện Trường Bà, trước kia điện Trường Bà được dựng lên rất đơn sơ bằng cây lá nằm ở trên hang núi đá gọi là hang Bà, cách điện thờ ngày nay khoảng 3 km về hướng tây bắc (nay thuộc xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng). Đến thế kỷ 14, nhân dân trong vùng góp tiền của và công sức xây dựng điện theo lối kiến trúc chữ nhị, gồm hai nhà tiền đường và chánh điện nối với bằng trần thừa lưu gồm các hạng mục công trình như: cổng tam quan ngoại, cổng vào điện, bình phong tiền, thành nội, sân điện, tiền đường, chánh điện trên một diện tích khá rộng lớn và bằng phẳng ở vị trí như hiện nay. Ngoài ra, bên ngoài điện nằm chếch về phía đông nam có miếu thờ Bạch Hổ sơn quân. Tương truyền, đây là một trong những tướng của Thánh mẫu Thiên Y A Na đã có công lớn trong việc giúp dân diệt trừ mãnh thú ở vùng đất này từ thuở khai sơn lập địa. Công lao của thần Bạch Hổ đã được triều Nguyễn ban phong tặng “Sơn lâm chúa sứ Trùm cả Bạch Hổ đại tướng quân”.
Điện Trường Bà. |
Điện Trường Bà ngoài thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na còn thờ hai vị nhân thần là Bùi Tá Hán và Mai Đình Dõng, hai nhân vật lịch sử có công mở mang, ổn định, trấn yên vùng đất miền núi phía tây Quảng Ngãi. Điện Trường Bà còn là trường dạy học; là điểm khởi đầu của Di sản văn hóa quốc gia Trường Lũy dài 113 km, trải dài qua 32 xã với hơn 70 đồn bao.
Đây là ngã ba sông, cửa ngõ vào rừng cao, núi sâu, mở mang đất đai mang dấu ấn lịch sử tiêu biểu của vùng đất Quảng Ngãi nói riêng, và vùng đất Nam Trung Bộ nói chung.
Điện Trường Bà gắn liền với sự phát triển kinh tế cực thịnh của vùng đất Trà Bồng thông qua việc trao đổi, buôn bán các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt quế và mật ong rừng của cư dân Cor và H’rê phía tây tỉnh Quảng Ngãi. Điện Trường Bà còn là nơi tích hợp nhiều nét văn hóa của các thành phần cư dân, dân tộc với sự giao thoa tín ngưỡng của các dân tộc. Nơi đây đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân trong huyện, là biểu tượng sinh động của truyền thống đại đoàn kết của đồng bào các dân tộc anh em Kinh (Việt), Cor, Chămpa và người Hoa, H’rê… thông qua Lễ hội Xuân điện Trường Bà được tổ chức hằng năm vào hai ngày 15 và 16-4 (âm lịch). Lễ hội điện Trường Bà có sự dung hợp nhiều nét văn hóa của các dân tộc Chăm, Cor, Kinh (Việt), Hoa, H’rê, và các dân tộc khác ở Nam Bộ, Quảng Nam - Đà Nẵng được thể hiện qua từng phần lễ và phần hội với nhiều hoạt động văn hoá dân gian mang đặc trưng của các dân tộc anh em như: Múa cồng chiêng, múa ka đấu và những làn điệu dân ca mang nét đặc trưng của đồng bào Cor, nghi thức học trò lễ, học trò gươm, múa lân do các đội văn nghệ của Tây Sơn (Bình Định)... Đây là điều hết sức đặc biệt so với những lễ hội khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Điện Trường Bà và Lễ hội điện Trường Bà không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, sinh hoạt lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương cùng đông đảo du khách thập phương mà còn góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa đồng bào miền xuôi và miền ngược, các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn huyện Trà Bồng. Với giá trị đó, năm 2014 điện Trường Bà đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Gần đây, ngày 8-5-2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đưa Lễ hội điện Trường Bà vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Nguyễn Văn Sơn
Ý kiến bạn đọc