Lễ ăn mừng lúa mới của người Cadong
Vùng đất dưới chân núi Ngọc Linh, thuộc địa bàn huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) là không gian sinh tồn từ ngàn đời nay của nhiều tộc người thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Cadong.
Người Cadong sống thành từng plơi (gồm nhiều nóc, mỗi nóc có chừng 12-15 gia đình là anh em, họ hàng cùng quần cư, sinh sống bên nhau). Plơi có thể coi là một đơn vị xã hội cổ truyền duy nhất hiện nay của người Cadong. Mỗi plơi của đồng bào đều có một phạm vi đất đai rừng núi riêng; ranh giới được đánh dấu bằng những địa hình, địa vật như: con suối, đỉnh núi, cây cổ thụ... Mỗi plơi bao giờ cũng có một máng nước (lang-tak) để tắm giặt, lấy nước dùng nấu cơm, thức ăn, nước uống. Đồng bào ở nhà sàn, mái thấp, lợp bằng ống lồ ô chẻ dập; nhà ở thường san sát nhau, xen vào giữa là những kho thóc của từng gia đình. Mỗi plơi bao giờ cũng có một ngôi nhà chung, dựng ở giữa làm nơi tập hợp vui chơi của mọi người trong plơi; cũng là nơi tiến hành các nghi thức tín ngưỡng, nhất là lễ hiến trâu mừng lúa mới, mừng sức khỏe, mừng nhà mới, lễ cúng máng nước…
Cũng như các dân tộc anh em khác sinh sống trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, đồng bào Cadong có một hệ thống lễ nghi vô cùng đa dạng, mỗi nghi lễ có một ý nghĩa riêng biệt. Trong đó, lễ ăn mừng lúa mới (Ká-pêê-nau) là nghi lễ tôn vinh vị Thần lúa (Mó-pế) được đồng bào thực hiện ngay sau vụ thu hoạch, khi lúa đã phơi khô cất hết vào nhà kho nhằm cảm tạ trời đất, thần linh đã che chở, phù hộ cho dân làng một mùa vụ bội thu, no đủ.
Tái hiện một nghi thức trong lễ ăn mừng lúa mới của người Cadong. |
Lễ ăn mừng lúa mới là một nghi lễ quan trọng nên tất cả dân làng phải chuẩn bị chu đáo. Lễ vật cúng gồm: một ché rượu cần ngon, trầu cau, một con gà luộc chín, một con cá niêng nướng, bánh lá dong, quả bầu rượu, chén thang trầm và nhất là phải có sản vật của vụ mùa là gạo lúa đỏ mới.
Trước khi lễ cúng diễn ra, tất cả mọi người từ già đến trẻ đều phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc và các nghệ nhân mang theo trống, cồng chiêng để diễn tấu.
Khi mâm cúng được soạn sẵn, già làng khấn vái và mời các Yàng pui (Thần lửa), Yàng kong (Thần núi), Thần lúa (Mó-pế), Thần đất (Ka rá-tơní), Thần mặt trời (Ka rá-mắt hy), Thần nước (Ka rá-mó huýt), Ma tốt (Két-ka rá)... và ông bà, tổ tiên về dự. Khi cúng xong, già làng lấy tiết gà bôi lên ché rượu và cắm cần uống trước, rồi mời mọi người cùng chung vui. Lúc này, đội cồng chiêng sẽ tiến hành diễn tấu và đi vòng tròn xoay quanh khu vực cúng có cây nêu, mọi người sẽ cùng nhau chung vui bên ché rượu cần và nhịp múa xoang truyền thống.
Đoàn nghệ nhân dân tộc Cadong biểu diễn tại lễ ăn mừng lúa mới tại Lễ hội Văn hóa - Thể thao các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XIX – 2018. |
Đối với người Cadong, lễ ăn mừng lúa mới vô cùng quan trọng trong đời sống cộng đồng bởi qua nghi lễ này, không chỉ thể hiện sự biết ơn đối với cây lúa mà còn thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần linh đã che chở, mang lại cuộc sống sung túc cho bản làng.
Sơn Gia Phúc
Ý kiến bạn đọc