Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc

07:40, 24/07/2018

Dưới tác động của quá trình đô thị hóa, sự lấn át của những lợi ích kinh tế trước mắt đã dẫn đến tình trạng mai một bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các buôn, cụm dân cư đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố, nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê như: lễ hội, diễn tấu cồng chiêng, nhà dài truyền thống, bến nước.... đang mất dần và xuống cấp chưa được tôn tạo, giữ gìn; các bộ chiêng, ché quý không được lưu giữ; một số nghệ nhân giỏi, tâm huyết chưa có điều kiện truyền dạy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ trẻ...

Amí San, một phụ nữ Êđê ở buôn Alê A (phường Ea Tam) còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm.
Amí San, một phụ nữ Êđê ở buôn Alê A (phường Ea Tam) còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm.

Theo kết quả khảo sát, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện còn 29 bến nước của các cộng đồng Êđê, nhưng có 9 bến nước không thể tu bổ vì không có nước chảy và 19 bến nước thuộc diện cần tu bổ; có 28 buôn còn từ 4-18 nhà dài,  nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng; 80% các buôn hiện không có nghệ nhân truyền dạy chiêng…

Việc lựa chọn có trọng điểm một số giá trị văn hóa đặc trưng tại một số buôn để hỗ trợ tu bổ, phục hồi, xây dựng không chỉ phục vụ đời sống tinh thần và lợi ích kinh tế cho nhân dân, mà trên hết nó góp phần tạo động lực khuyến khích, động viên đồng bào DTTS tại chỗ trở thành nhân tố chủ đạo trong công tác gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống… là mục tiêu Đề án hướng tới.

Trước thực trạng trên, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố đang là vấn đề cấp thiết. Theo ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Buôn Ma Thuột, để thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt Đề án), giai đoạn 2017-2020, thành phố sẽ chọn 3 buôn (buôn Ako Dhông – phường Tân Lợi; buôn Tuôr – xã Hòa Phú; buôn Kmrơng Prông B – xã Ea Tu) gắn với việc phục vụ du lịch; lựa chọn tu bổ, cải tạo, sửa chữa 6 bến nước và phục dựng 5 ngôi nhà dài truyền thống hiện đã xuống cấp tại một số buôn; mỗi năm mở từ 5 lớp trở lên truyền dạy kỹ thuật đánh chiêng và sử dụng nhạc cụ dân tộc cho thanh, thiếu niên người DTTS; mỗi buôn, cụm dân cư đồng bào DTTS thành lập hoặc duy trì từ 1 đội diễn tấu chiêng hoặc 1-2 đội văn nghệ dân gian. Ngoài ra, sẽ tổ chức giảng dạy chữ viết của đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố theo hình thức ngoại khóa tại một số cụm dân cư; hằng năm, duy trì tổ chức Tết cổ truyền của dân tộc Thái (xã Hòa Phú); lễ hội Hạ nêu của dân tộc Mường (xã Hòa Thắng)…

Nghê nhân Y Hiu Niê Kdăm (phường Ea Tam) truyền dạy đánh chiêng tre cho các em thiếu niên xã Cư Êbur.
Nghê nhân Y Hiu Niê Kdăm (phường Ea Tam) truyền dạy đánh chiêng tre cho các em thiếu niên xã Cư Êbur.

Để cụ thể hóa Đề án trên, mới đây Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố đã phối hợp với UBND xã Cư Êbur tổ chức khai giảng lớp dạy đánh chiêng cho 30 em thiếu niên dân tộc Êđê thuộc buôn Ea Bông và Kdun. Bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Êbur cho biết, trên địa bàn xã, lớp người già biết đánh chiêng còn rất ít, lớp trẻ biết đánh chiêng thì lại càng không. Do đó, việc truyền dạy đánh chiêng đã đáp ứng nhu cầu thiết thực của địa phương vừa để kế thừa, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Êđê, vừa khơi dậy niềm đam mê diễn tấu cồng chiêng cho thế hệ trẻ; đồng thời giúp các buôn xây dựng, khôi phục đội chiêng để tham gia các hội thi, hội diễn.

Đó là những tín hiệu tích cực, thể hiện những nỗ lực nhất định của thành phố. Thế nhưng về lâu dài, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS không chỉ là trách nhiệm của các cấp, ngành và địa phương mà đòi hỏi phải có sự tham gia, chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân, sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, gắn kết với hoạt động du lịch, các nguồn lực, chương trình khác thì mới có thể bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.