Tìm về hang thần Băng Adrênh
Tại buôn K62, xã Băng Adrênh (huyện Krông Ana) còn tồn tại vết tích của một chiếc hang được người Êđê xem là nơi linh thiêng bởi nó gắn liền với một truyền thuyết về sự xuất hiện của tộc người Êđê.
Truyền thuyết kể rằng, xưa kia tổ tiên của người Êđê sống sâu trong lòng đất. Một hôm, chàng Y Rít đi săn, thấy một con nai liền đuổi theo. Con nai chạy miết, Y Rít cũng đuổi miết. Đến một chỗ, con nai biến mất. Y Rít tìm quanh chỉ thấy một cái hang hẹp, ngoằn ngoèo, sâu hút. Theo lối đó đi lên, đi mãi, Y Rít thấy một cửa hang hẹp. Chui ra khỏi miệng hang, chàng thấy ánh mặt trời sáng lòa rực rỡ, núi rừng, cây cỏ xanh tươi, đất đai rộng rãi... Y Rít liền quay trở về nơi cũ, báo cho mọi người biết. Dân làng thích lắm bèn gọi nhau, cùng rời bỏ lòng đất sâu, theo lối đi mà Y Rít tìm được, chui qua cửa hang, đi lên mặt đất. Từ đó, người Êđê sống trên mặt đất. Họ phân ra thành nhiều dòng họ, chia nhau ra ở các nơi, lập thành buôn làng sinh sống. Người Êđê coi cái hang này là nơi linh thiêng, là đất gốc của mình. Để tỏ lòng biết ơn thần linh đã phù hộ, giúp cho được lên sống trên mặt đất, người Êđê đã cử dòng họ H’Druê trông coi hang thần, hằng năm làm lễ cúng tại hang.
Cái hang đó tiếng Êđê gọi là Băng Adrênh. Hang Băng Adrênh nay thuộc buôn K62, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana. Một điều thú vị là tên của hang đã được dùng để đặt tên cho xã, như một sự giữ gìn bản sắc dân tộc.
Dấu tích hang Băng Adrênh. |
Buôn K62 là một buôn nhỏ nằm kề trụ sở UBND xã Băng Adrênh, cách trung tâm huyện Krông Ana khoảng 10 km. Từ cổng buôn đi vào một đoạn, rẽ phải, vòng vèo qua mấy lô cà phê sẽ thấy một con dốc thoai thoải dẫn ta thẳng đến cánh đồng. Nếu không có anh Ama Y Hồ, một người dân trong buôn chỉ cho biết thì dù trí tưởng tượng phong phú đến đâu, chúng tôi cũng không thể hình dung được vị trí hang thần linh thiêng xưa kia. Hang thần hiện chỉ là một nền đá đen mấp mô trên một bãi cỏ rộng hơn 100 m2; phần nổi rõ nhất của nền đá tùy góc nhìn mà thấy có hình tam giác hoặc hao hao hình cánh cung. Ước lượng bề dài nhất của nền đá dài khoảng gần 10 m. Chỗ cao nhất của nền đá so với mặt đất là mấy gộp đá mấp mô cao khoảng 30 - 40 cm.
Theo những người dân trong buôn thì xưa kia nơi này hoang vu lắm, phía sau hang là rừng cây rậm rạp, trước mặt hang là những bãi cỏ tranh trải rộng, những bụi le um tùm, tiếp nữa là sình lầy mênh mông. Khu vực này trong kháng chiến chống Mỹ là căn cứ cách mạng, gọi theo mật danh là K62. Sau ngày giải phóng (năm 1975), dân làng mới về đây lập buôn, gọi là buôn K62. Người dân khai khẩn đất hoang, phát rừng làm rẫy, trồng cà phê. Bãi sình trước hang cũng được khai phá, cải tạo thành đồng ruộng. Chẳng biết từ lúc nào, khu vực hang Băng Adrênh đã bị san ủi, đào đắp đến gần sát hang, để đến bây giờ, hang đá xưa chỉ còn vết tích là một nền đá chơ vơ giữa đồng không mông quạnh.
Cần phải nói thêm, buôn K62 là buôn mới thành lập sau ngày giải phóng miền Nam, còn buôn Cuê, cách hang Băng Adrênh khoảng 3 km mới là nơi cư trú lâu đời của người dân nơi đây. Anh Y Ben Byă, tên thường gọi là Ama Cốp, năm nay khoảng 50 tuổi, nhà ở buôn Cuê (xã Băng Adrênh) cho biết cha anh là người họ H’Druê (nhưng vì người Êđê theo mẫu hệ nên anh mang họ Byă của mẹ). Khi còn nhỏ, Ama Cốp vẫn thường được nghe cha anh và những người già trong buôn kể về lễ cúng hang Băng Adrênh. Lễ cúng được tổ chức vào khoảng tháng 3, tháng 4, tức là vào cuối mùa khô của năm. Đồ cúng gồm nhiều thứ như rượu cần, thịt heo, thịt gà… nhưng lễ vật quan trọng nhất, không thể thiếu là một con trâu còn sống để dâng lên thần linh. Hồi đó, trước cửa hang, cách khoảng 50 m có một cây đa cổ thụ. Người ta dắt trâu đến, buộc vào đó. Thầy cúng đọc lời khấn, cầu cho mưa nắng thuận hòa, mùa màng bội thu, buôn làng yên ổn, người người mạnh khỏe… sau đó sẽ đâm trâu để tế thần. Đâm trâu xong, lại cúng tiếp. Sau lễ cúng, buôn làng mổ trâu, cùng nhau ăn uống vui vẻ. Ama Cốp nhớ lại: “Người già còn kể rằng, thần hang thiêng lắm. Thần thích nhất là được cúng trâu. Có lần, trâu vừa được dắt đến trước hang đã khuỵu xuống mà chết. Người già bảo đó là do thần ưng cái bụng nên bắt trâu đi luôn đấy. Còn người được chọn để đâm trâu phải là người khỏe mạnh, hiền lành, tốt bụng, được mọi người yêu quý. Đấy là nghe ông bà, cha mẹ ngày trước kể lại thôi. Còn lễ cúng hang lâu lắm rồi, có lẽ đến mấy chục năm nay rồi không thấy làm nữa”.
Dòng họ H’Druê - dòng họ được cử trông coi hang thần - ở buôn Cuê hiện còn khoảng hơn chục gia đình. Hầu hết, họ đều còn trẻ và cũng chỉ biết về hang Băng Adrênh qua lời người khác kể lại. Ama Cốp và nhiều người dân trong vùng đều mong mỏi hang thần sẽ được tôn tạo, lễ cúng hang sẽ được tổ chức lại để cho con cháu sau này không lãng quên chuyện của ông bà xưa.
Hoàng Minh Sơn
Ý kiến bạn đọc