Multimedia Đọc Báo in

"Cổ vật" rời buôn làng

10:26, 25/08/2018
Thông tin ông Khăm Phết Lào (con trai vua săn voi nổi tiếng Ama Kông) tự nguyện tặng bành voi có tuổi đời hơn 100 năm cho Bảo tàng Dân tộc Việt Nam khiến nhiều người ngạc nhiên.
 
Tôi tìm về nhà ông ở buôn Kô Tam (xã Ea Tu – TP. Buôn Ma Thuột) để hỏi: Sao không giữ lại hoặc bán cho doanh nghiệp làm du lịch nào đó trên địa bàn Đắk Lắk để trưng bày, giới thiệu với du khách về văn hóa – lịch sử nghề săn bắt và thuần dưỡng voi nức tiếng của mình? Ông trầm ngâm một lúc rồi tâm sự: Đó cũng là một cách gìn giữ di sản của ông bà để lại trước những cám dỗ vật chất hiện nay. Tặng cho bảo tàng thì còn, bán cho người ta thì vĩnh viễn mất… Đến nay, không biết bao nhiêu cổ vật của đồng bào mình rời khỏi buôn làng vì nhu cầu vật chất trước mắt. Điều đó quả thật đáng buồn!
 
Qua câu chuyện với ông Khăm Phết Lào, tôi biết trước đây giới sành chơi cổ vật Tây Nguyên chỉ chọn mua những món có giá trị như chiêng, chóe cổ, tượng nhà mồ, trống bịt da trâu rừng, hoặc các loại hàng “độc” khó bắt gặp là bành voi được chạm trổ bằng gỗ quý, dây thừng bện bằng da trâu đủ kích cỡ… Đến nay những thứ đó trở thành của hiếm, nên những tay chơi “thời thượng” sục tìm để mua bất kể vật dụng gì liên quan đến đời sống cổ xưa của các tộc người bản xứ: thuyền độc mộc, cầu thang nhà dài, chày cối giã gạo, cung, ná, giáo, mác… có tuổi đời từ vài chục năm trở lên.
 
Gia đình ông Khăm Phết Lào chụp hình lưu niệm cùng chiếc bành voi cổ mà ông đã tặng Bảo tàng  Dân tộc Việt Nam. (Ảnh nhân vật cung cấp).
Gia đình ông Khăm Phết Lào chụp hình lưu niệm cùng chiếc bành voi cổ mà ông đã tặng Bảo tàng Dân tộc Việt Nam. (Ảnh nhân vật cung cấp).
Từ lời kể của ông Khăm Phết Lào và nhiều người khác mà tôi đã gặp thì được biết, vì cần tiền nên nhiều gia đình người Êđê, M’nông, Lào ở Buôn Đôn, Krông Pắc, Krông Bông, Ea H’leo, TP. Buôn Ma Thuột… đã không giữ được những báu vật của gia đình, dòng họ truyền đời. Chẳng hạn như ông Y Kin Byă  (buôn Ndrếk, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) đã bán đi cuộn thang dây làm bằng mây rừng có tuổi thọ bằng một đời người chỉ với … hơn 1 triệu đồng. Rồi ông Y Sươm Kbuôr (buôn Nia, xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắc) để cho người ta chở đi chiếc cầu thang gỗ 7 bậc được chạm trổ công phu cách đây hơn nửa thế kỷ, đổi lại là cái tivi màu có giá hơn 2 triệu đồng. Bà H’Phin Buôn Krông (buôn Ea Nao B, xã Ea Tu,  TP. Buôn Ma Thuột) cũng chẳng thiết gì bộ chày cối giã gạo có từ mấy đời trước, nên đã bán cho một quán cà phê sân vườn trên phố. Lý do mà họ đưa ra thật đơn giản: Có dùng vào việc gì đâu mà giữ lại, ai mua thì bán kiếm ít tiền sắm sanh, trang trải cuộc sống hằng ngày.              
 
Đây là  điều nhức nhối chẳng khác gì vấn nạn “chảy máu” cồng chiêng ngày nào – ông Khăm Phết Lào tỏ ra trắc ẩn. Bởi theo ông, tất cả những vật dụng vốn thân thiết, gắn bó với đời sống sinh hoạt của các gia đình người dân tộc thiểu số ở đây từ xưa đến nay đã góp phần làm nên bức tranh văn hóa phong phú, sinh động và giàu bản sắc của các cộng đồng dân tộc ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Mất đi những thứ quý giá ấy, đồng nghĩa với mất đi một phần bản sắc văn hóa ở đây. Cách lưu giữ "cổ vật" của ông Khăm Phết Lào thật đáng trân trọng. Mong sao cơ quan chức năng sớm xây dựng một thiết chế quản lý hữu hiệu để gìn giữ vốn di sản vật thể này ngay các buôn làng hoặc được trưng bày tại bảo tàng.
 
Phương Đình
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.