Multimedia Đọc Báo in

Đặc sắc trang phục của người Cadong

09:38, 26/08/2018
Tộc người Cadong là cư dân sinh sống lâu đời dưới chân núi Ngọc Linh trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Người Cadong có nền văn hóa đặc sắc, mà trong đó trang phục truyền thống đã góp phần làm nên diện mạo đặc trưng của tộc người này so với các dân tộc anh em khác trong vùng.
 
Kiểu trang phục truyền thống của đồng bào Cadong có màu đen và màu chàm. Họa tiết hoa văn trên trang phục thường được trang trí chạy dọc theo chiều dài của áo, váy, khố với ba màu chủ yếu là: vàng, trắng, đỏ. Trang phục truyền thống của phụ nữ Cadong gồm có: áo, váy và dây buộc ở bụng. Áo là kiểu áo chui đầu, không có tay. Váy của phụ nữ Cadong được dệt từ những sợi bông với nhiều màu sắc khác nhau, chủ yếu là màu đỏ, vàng, và trắng. Dưới mép của váy được trang trí với nhiều tua màu đỏ. Đi kèm với váy bao giờ cũng có một thắt lưng nền trắng mộc để buộc váy khỏi tuột và trang điểm thêm khi phụ nữ tham gia múa trong các lễ hội.
 
Thiếu nữ Cadong rất thích đeo chuỗi cườm nhiều màu sắc ở cổ và chuỗi dây đồng dài quấn thêm ở thắt lưng. Riêng phụ nữ Cadong có chồng và lớn tuổi, ngoài dùng dây buộc váy màu trắng ở bụng ra, họ còn dùng đồ trang sức bằng chuỗi dây đồng dài có gắn lục lạc quấn vào lưng quần, đeo nhiều trang sức bằng đồng, vòng bạc ở tay, ở cổ để tăng thêm vẻ đẹp mỗi khi tham gia lễ hội.  Người Cadong rất quý những chiếc vòng này, và nó cũng là tín vật không thể thiếu trong lễ cưới của người Cadong. Tùy vào điều kiện của từng gia đình, ngoài những tặng phẩm truyền thống, họ hàng nhà trai cần chuẩn bị một chiếc vòng đeo tay bằng đồng, vòng bạc để đôi bạn trẻ làm của hồi môn.
 
Trang phục truyền thống của người Cadong huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) trong lễ hội của cộng đồng.
Trang phục truyền thống của người Cadong huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) trong lễ hội của cộng đồng.
Trang phục đàn ông và thanh niên Cadong gồm: khố và tấm choàng hình chữ X. Khố là một tấm vải dài, khổ hẹp được dệt trên nền chàm đen, với ba màu: đỏ, trắng và vàng chạy dọc theo chiều dài của thân khố và hai bên thân, chân khố được kết nối với những tua màu đỏ. Khi đàn ông, thanh niên mặc khố, họ luồn qua hai chân, quấn quanh thắt lưng, thả mành mành hai đầu buông dài trước và sau đến gần cổ chân có dáng hình chữ T. Trong các lễ hội, trang phục của đàn ông và thanh niên Cadong có thêm một tấm choàng quấn chéo trên ngực, dáng chữ X toát lên vẻ đẹp hoang dã, và mang đậm chất của một cư dân miền núi.
 
Trang phục truyền thống của người Cadong hàm chứa giá trị sáng tạo, giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ và cả giá trị nhân văn của cộng đồng dân tộc Cadong. Trang phục truyền thống của họ còn ẩn chứa tâm lý, tình cảm của tộc người và mối quan hệ của tộc người với môi trường thiên nhiên xung quanh được đúc kết từ đời sống hằng ngày, từ lao động sản xuất và cốt cách mang đặc trưng văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.
 
Nguyễn Văn Sơn
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.