Multimedia Đọc Báo in

Để nhịp chiêng mãi ngân

10:33, 25/08/2018
Trong cuộc sống hiện đại, văn hóa cồng chiêng của các dân tộc đang có chiều hướng dần mai một thì tại buôn Kram, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) vẫn có những người nặng lòng, say mê truyền dạy với mong muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
 
12 tuổi đã thạo cồng chiêng
 
Y Ky Êban (ở buôn Kram, xã Ea Tiêu) được biết đến là người trẻ tuổi nhất trong 4 nghệ nhân tham gia giảng dạy cho các học viên của lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho thanh, thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Cư Kuin năm 2018 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào hồi tháng 5 vừa qua.  
 
Dù mới 18 tuổi nhưng Y Ky đã đánh chiêng điêu luyện và tự tin đứng lớp truyền đạt kiến thức cho các em nhỏ. Y Ky chia sẻ, từ lúc còn bé xíu đã được tiếp xúc và thưởng thức những bài chiêng do bố mình thể hiện. Năm 10 tuổi, Y Ky được bố đưa đến các lớp học dạy đánh cồng chiêng cho lũ trẻ trong buôn do ông dạy để cùng học. Qua những buổi học, Y Ky càng thêm say mê và thích thú thứ âm thanh trầm bổng của cồng chiêng nên quyết tâm theo học để có thể đánh chiêng giỏi như bố.
 
Y Ky hướng dẫn các em nhỏ đánh chiêng tre.
Y Ky hướng dẫn các em nhỏ đánh chiêng tre.
Ban đầu học, Y Ky đã gặp không ít khó khăn vì chưa thể hiểu hết các nốt chiêng, nhịp chiêng hay chiêng quá lớn không cầm được, tay không đủ lực để đánh… Nhưng Y Ky không nản lòng, luôn tranh thủ những lúc rảnh rỗi mang chiêng ra tập đánh và nhờ bố chỉ dẫn thêm. Cần mẫn, chăm chỉ học từ những bài chiêng tre đơn giản rồi đến những bài chiêng đồng điêu luyện, sau 2 năm Y Ky đã nắm vững kỹ thuật đánh chiêng, thuần thục các bài diễn tấu và trở thành một trong những thành viên cốt cán trong đội chiêng của buôn. Từ đó đến nay, Y Ky cùng đội của mình thường xuyên tham gia giao lưu, thi thố với các đội chiêng trong và ngoài tỉnh như Kon Tum, Bình Phước, Sóc Trăng…và nhiều lần đạt được giải cao tại các cuộc thi.
 
Từ khi tham gia đội cồng chiêng, Y Ky đã hiểu rõ hơn ý nghĩa của từng nghi lễ và tập tục của dân tộc mình, từ đó thêm yêu thích và đảm nhận vai trò dạy đánh chiêng cho lớp trẻ trong buôn. Y Ky tâm sự: “Với em, đánh chiêng không chỉ là niềm đam mê mà còn là cách để bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Em sẽ tiếp tục trau dồi kỹ năng đánh chiêng để có thể truyền lửa đam mê cồng chiêng cho các bạn trẻ, để tiếng cồng chiêng mãi vang vọng đến đời sau”.
 
“Truyền lửa” đam mê cồng chiêng
 
Là một trong những nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc, hơn 20 năm qua ông Y Gõ Niê (buôn Kram, xã Ea Tiêu) đã đứng ra tập hợp và dạy đánh cồng chiêng cho lớp trẻ trong buôn. 
 
Từ bé đã được đắm mình trong các lễ hội của buôn làng, lắng nghe những nhịp chiêng, lời ca, điệu múa, ông Y Gõ “phải lòng” cồng chiêng từ khi nào không hay, mỗi lần trong buôn có ngày vui như lễ mừng lúa mới, lễ mừng thọ, lễ vào nhà mới… ông lại háo hức tham gia để học cách đánh chiêng từ những người lớn tuổi. Đến năm 20 tuổi, ông đã thạo hết các bài chiêng và tham gia đội văn nghệ của buôn. 
Sau này chứng kiến cảnh trong buôn chẳng còn mấy ai giữ chiêng trong nhà, người trẻ không còn thích đánh chiêng, ông luôn trăn trở làm thế nào để khôi phục, gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng của dân tộc nên đã đến từng nhà trong buôn, vận động người dân cho con em mình đi học đánh cồng chiêng.
 
Nghệ nhân Y Gõ Niê dạy đánh chiêng cho các em nhỏ trong buôn.
Nghệ nhân Y Gõ Niê dạy đánh chiêng cho các em nhỏ trong buôn.
Lớp học đầu tiên có 12 học viên cũng là đội chiêng trẻ đầu tiên của buôn và được duy trì cho đến tận bây giờ. Vì không có chiêng đồng nên các học viên đều phải tập đánh bằng chiêng tre. Đến năm 2015, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp một bộ chiêng, việc dạy học và biểu diễn được thuận lợi hơn. Đến nay, ông đã tổ chức được 5 lớp học đánh cồng chiêng cho hơn 100 em thiếu nhi. Mỗi lớp học thường diễn ra trong vòng một tháng. Nhưng với lòng nhiệt huyết và cách truyền dạy phong phú của ông, sau thời gian học các em đều đã biết cách cầm chiêng, đánh chiêng, phân nhịp, nghe tiếng và có thể diễn tấu một vài bài chiêng thông dụng như “Mừng sum họp”, “Mừng sức khỏe”, “Mừng lúa mới”… Ông Y Gõ cho biết: “Để dạy cho bọn trẻ đánh chiêng thành thạo thì trước hết phải khơi dậy được niềm say mê đánh cồng chiêng cho các em từ đó sẽ hăng hái và tích cực tham gia. Chính âm thanh của cồng chiêng đã đánh thức tâm hồn các em”.
 
Với những đóng góp trên, nghệ nhân Y Gõ Niê nhiều lần được các cấp khen thưởng, đặc biệt năm 2013, ông được Tỉnh ủy tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 
 
Tuyết Mai
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.