Multimedia Đọc Báo in

Một lần "say" trên phố núi Ban Mê

08:44, 05/08/2018

Ngồi trên tầng 9 của Khách sạn Sài Gòn Ban Mê, nhâm nhi ly cà phê giữa cao nguyên lộng gió, nghe lời bài hát “anh yêu cao nguyên, cao nguyên lộng gió” (Vòng tay cầu hôn - Trần Tiến) tất cả chúng tôi đều có cảm giác “say”. “Say” với cảnh núi rừng hùng vĩ. “Say” với những người dân bản xứ thật thà chất phát ở phố núi cao nguyên này, khiến một lần đến đây ai cũng muốn quay trở lại.

Người dân mến khách

Lần “phượt” này, chúng tôi chọn thành phố Buôn Ma Thuột làm điểm dừng chân. Sau khi đáp xuống sân bay Buôn Ma Thuột, bác xe ôm Grab cởi mở: “Nếu anh về thành phố Buôn Ma Thuột thì nên đi xe ôm, vừa ngắm cảnh, vừa thuận lợi, giá lại rẻ”. "Nghỉ ở khách sạn nào tốt nhất trong thành phố thưa anh?", tôi hỏi. Bác xe ôm nhanh nhảu trả lời: “Có hai khách sạn nổi tiếng ở phố núi cao nguyên này, một là khách sạn năm sao Mường Thanh, hai là khách sạn bốn sao Sài Gòn Ban Mê. Ở khách sạn Sài Gòn Ban Mê là đẹp nhất, trung tâm thành phố, viu đẹp, lại ngay Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột”. Tôi quyết định “hành trình” về thành phố Buôn Ma Thuột bằng “cuốc” xe Grab.

Lần thứ hai đến phố núi này sau 5 năm trở lại, quá nhiều đổi thay. Hai bên đường từ sân bay về thành phố là những vườn cà phê trĩu quả trải dài như tấm thảm. Nổi bật trên những vườn cà phê ấy là những căn nhà mái ngói, nhà lầu kiểu phố san sát kề nhau. Bác xe ôm bảo: “Ngày con đường này chưa rải nhựa trời nắng bụi mù mịt, trời mưa lầy lội lắm. Từ ngày đường sá được nâng cấp, mở rộng, đời sống người dân hai bên đường ăn nên làm ra. Anh nhìn đấy, hàng quán mọc lên rất nhiều”.

Phố núi nhìn từ lầu 9 của khách sạn Sài Gòn Ban Mê.
Phố núi nhìn từ lầu 9 của khách sạn Sài Gòn Ban Mê.

Dừng trước khách sạn Sài Gòn Ban Mê, bác xe ôm ân cần: “Anh đứng đây để tôi vào hỏi cho. Nếu còn phòng rẻ thì vào đây ở, mọi phương tiện đi lại rất dễ dàng”. Tôi chưa kịp trả lời thì bác chạy vào cửa khách sạn. Chừng năm phút sau, bác chạy ra tươi cười: “Còn phòng anh nhé. Tôi đã hỏi phòng có “viu” đẹp cho anh”. Thấy bác xe ôm thân tình mến khách, tôi gửi tiền công xe ôm và bồi dưỡng thêm 20.000 đồng, nhưng bác không nhận. Bác còn bảo: “Tôi chỉ lấy tiền đúng công sức bỏ ra”. Tôi ngỏ ý mời ly nước mía trước cổng khách sạn thì bác đồng ý. Cuộc trò chuyện giữa tôi và bác xe ôm trở nên thân tình. Trước khi vào khách sạn, bác cho tôi xem một tờ giấy và một tấm thẻ. Đó là thẻ thương binh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và tờ giấy ghi tên những đồng đội từng chiến đấu. Trong đó có những nét mực chấm đỏ, bác bảo, đó là những đồng đội đã hy sinh nằm lại chiến trường.

Uống cà phê, ngắm cao nguyên lộng gió

Sau khi lấy phòng và được lễ tân hướng dẫn, tôi lên lầu 9 của khách sạn Sài Gòn Ban Mê. Thật không thể tả hết khung cảnh phố núi hữu tình - một thành phố hiện đại với cơ sở hạ tầng, nhà cửa san sát kề nhau giữa cao nguyên. Ngay sát dưới chân khách sạn Sài Gòn Ban Mê là Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột - biểu tượng dũng cảm của người Đắk Lắk trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Phía xa là núi rừng và những rẫy cà phê bạt ngàn xanh thẳm.

Biết chúng tôi là khách từ Vũng Tàu tới, cô lễ tân của khách sạn lễ phép thưa: “Ở đây có cà phê đặc biệt phố núi, quý khách dùng xin cứ tự nhiên”. “Cho tôi ly cà phê đặc biệt nhé. Nếu có âm nhạc, xin mở bài “Vòng tay cầu hôn” - tôi yêu cầu. Cô nhân viên nhoẻn miệng cười, gật đầu rồi đi nhanh về nơi pha chế. Chừng 4 phút sau, trên tay cô là bốn ly cà phê nóng hổi . Và cũng đúng lúc đó lời bài hát “Một sớm yên lành, một người lính rời xa quê nhà, mang theo đôi vòng tay cầu hôn” phát ra từ chiếc loa của khách sạn. Không còn cảm giác thư thái nào hơn, tôi đưa máy ảnh hướng phía thành phố chụp luôn ba kiểu và không quên “rọi” xuống phía Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột. Người bạn tôi nói trong xúc động: “Không đi với ông lần này, tôi chẳng bao giờ biết Tây Nguyên và cũng chẳng ngắm được thành phố Buôn Ma Thuột trên cao thế này. Một chuyến đi vô cùng ý nghĩa”.

Theo cô lễ tân của khách sạn này, tất cả du khách đến nghỉ dưỡng ở Sài Gòn Ban Mê đều thích lên lầu 9 uống cà phê, ngắm phố. Nơi này cũng là điểm hẹn của những văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà thơ. Cũng có nhiều cựu chiến binh đến khách sạn nghỉ dưỡng với mục đích hoài niệm một thời cầm súng trên mảnh đất này. Có cựu binh khi ngắm thành phố, nhìn Tượng đài Chiến thắng từ lầu 9 của khách sạn đã bật khóc bởi màu xanh bạt ngàn của thành phố Buôn Ma Thuột hiện đại hôm nay, Tượng đài Chiến thắng bây giờ, năm xưa là trận địa và bao đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Rời thành phố Buôn Ma Thuột sau hai ngày lưu trú ở đây, chúng tôi trở về Vũng Tàu phố biển. Có lẽ ấn tượng không bao giờ quên trong ký ức chúng tôi lần “phượt” đến đây là người dân chất phác mến khách và ngắm phố núi trên tầng cao giữa lộng gió cao nguyên. Buôn Ma Thuột đã làm chúng tôi “say”, “say” vì tình người mến khách, vì khung cảnh hữu tình, của thành phố cao nguyên.

Tuấn Cường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.