Multimedia Đọc Báo in

Nhạc sĩ Nguyễn Cường và những ca khúc viết về Tây Nguyên

08:44, 18/08/2018
Trước khi đến Tây Nguyên năm 1982, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã có một vài ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca Bắc Bộ được nhiều người biết đến như “Hò biển”, “Nghe em câu hát văn mùa xuân”... Ông có cả ca khúc đầu tay “ Mang thư cho chú giải phóng quân” viết về Tây Nguyên cũng mang âm hưởng J’rai, nhưng không được chú ý.
 
Ông chỉ thật sự “nổi như cồn” sau ngày đến Đắk Lắk. Từ đó, hơn 35 năm qua, ông gắn bó với các tỉnh Tây Nguyên và có nhiều sáng tác trên âm hưởng dân ca; nhiều nhất và thành công nhất là những sáng tác trên chất liệu dân gian Êđê. 
 
 
Những ngày đầu ở Buôn Ma Thuột, phát hiện ra các đặc trưng riêng ẩn chứa trong dân ca Êđê với hai làn điệu chủ yếu K’ưt và Arei, khác hẳn với dân ca Jrai và Bâhnar vì không có điệu thức thứ mà chỉ thỉnh thoảng ly điệu sang một quãng 2 để làm cho giai điệu phong phú thêm, nhất là đặc tính sôi nổi của điệu hát Arei cũng như tiết tấu allegro vivace liên tục của dàn ching knah, Nguyễn Cường đã cho ra đời hàng loạt ca khúc viết từ chất liệu dân ca Êđê với nhịp điệu sôi động như: “H’Zen lên rẫy”, “Ơi M’Đrắk”, “Thênh thênh oh ơi”, “Ly cà phê Ban Mê”, “Anh muốn sống bên em trọn đời”, “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”… Các ca khúc này ngay lập tức được phổ biến và lan tỏa trong cả nước; hay sàng lọc qua thời gian, bản tangô Êđê “Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk”… hàng chục năm qua vẫn được các bạn trẻ Đắk Lắk, Gia Lai ngân nga.  Sự lan tỏa của các ca khúc này trong bạn yêu nhạc cả nước có lẽ không cần nói nhiều khi xuất hiện với tần suất rất cao trong nhiều cuộc thi hát chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước, thậm chí từng là sự lựa chọn của một vài ca sĩ trong các album riêng. Một ca khúc được phổ biến và tồn tại với tháng năm tất nhiên phải là bài hát hay, mới lạ, phù hợp với thị hiếu đông đảo bạn yêu nhạc. Đó chính là điều Nguyễn Cường đã làm được.
 
Nếu ở “H’Zen lên rẫy”, đường nét bài dân ca Êđê Chi ri ra chỉ xuất hiện đôi chút ở đoạn điệp khúc cuối “chi ri ra buôn ya buôn prong, chi ri ria lalala” để cho sau này “Ly cà phê Ban Mê” và “Anh muốn sống bên em trọn đời” cũng cùng một kiểu tiến hành giai điệu tiết kiệm chất liệu tương tự, thì chính Nguyễn Cường cũng khẳng định ông sử dụng hoàn toàn hai làn điệu dân ca nguyên gốc, điệu hát K’ưt tự sự mênh mông dàn trải cho ca khúc “Ơi M’Đrắk” và nhịp điệu hát đối đáp Arei rộn ràng cho ca khúc “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”. Cái khéo của người nhạc sĩ không chỉ ở phần lời mang đầy chất thơ trên cái nền recitativ dân ca nguyên gốc ấy, rằng “nơi đây thảo nguyên từng đàn bò đùa nắng tung tăng mặt trời, xa xăm ngọn Cư Pâng, xa xăm biển trời… Bên tôi giọng trầm ấm, cha tôi kể khan mơ Đam San trở về”… mà còn ở sự phát triển âm nhạc câu cuối cùng, tuy chỉ là nét nhạc ly điệu ngắn với sự bất thường của một quãng 5 giảm kết hợp với một quãng 2 thứ thi thoảng trong dân ca Êđê, nhưng đã tạo được hiệu quả rất cao cho cả ca khúc “Ơi M’Đrắk” lẫn sự khoe giọng của ca sĩ Y Moan trong hai câu vocalize kết thúc và để nó chính thức là của ông.
 
Nhạc sĩ Nguyễn Cường (Nguồn: Internet)
Nhạc sĩ Nguyễn Cường (Nguồn: Internet)
Trong “ Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”, điệu Arei giao duyên rạo rực và thang âm Êđê 5 cung gần như được giữ nguyên xi “gặp lại em mùa mưa con đường xưa đây rồi, gặp lại em nhịp chiêng ché rượu nghiêng đêm mời” cho đến khi sang đoạn  2… Và rồi lại trở lại âm điệu Arei trong điệp khúc với quãng 2 đặc trưng cuối câu của dân ca Êđê “có cái nắng có cái gió có nỗi nhớ không mang theo người ơi”. Có người cho rằng Nguyễn Cường tạo nên sự “hú hét” của các ca sĩ Tây Nguyên, nhưng đó chỉ là phong cách “trữ tình rực lửa” (chữ dùng của một nhà báo) từ phía người biểu diễn cảm nhận (đó cũng còn là nhịp điệu ching knah Êđê); còn Nguyễn Cường, vẫn có những giai điệu mềm mại xúc động đến tận sâu tâm hồn con người như “Thênh thênh oh ơi”, “Đến với cao nguyên”, “Ơi M’Đrắk”... rằng “Vì một bình minh rừng thu sương tan, vì một trường ca , trường ca Dam San…”, hay “Ru em cánh võng trăng treo, ru em tiếng hát t’rưng reo. Chị thương lời ru suối ngàn, chị thương lời ru nắng vàng…”.
 
Sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên mà không hẳn lối mòn Tây Nguyên ấy, cùng với ca từ đẹp và mang hơi hướng sử thi của Nguyễn Cường đã khiến các ca khúc của ông ngay từ khi mới ra đời đã làm xôn xao dư luận và đến được với đông đảo công chúng. Có những câu hát đã trở thành lời nói “cửa miệng” của người Tây Nguyên như “Ban Mê lộng gió, da nâu mắt sáng vóc dáng hiền hòa”... Nói như nguyên Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Giáo sư Trọng Bằng ngày ấy thì “chính âm nhạc Êđê đã mở cửa hàng cho Nguyễn Cường”. 
 
Chuyển sang tiếp tục “thâm canh” ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, lúc đầu Nguyễn Cường chưa “thoát” được ảnh hưởng sâu đậm của dân ca Êđê. Bằng chứng là ban đầu ông phải đặt lời lại cho bản “Em hát Arei” viết cho Đắk Lắk trở thành bài “Câu hát Jrai” cho Gia Lai. Nhưng là một nhạc sĩ vốn nhuần nhuyễn với việc sử dụng âm nhạc dân gian các miền, Nguyễn Cường nhanh chóng trở lại với chất liệu âm nhạc J’rai để có “Đôi mắt Pleiku”, một thành công vượt cả sức tưởng tượng của chính ông và khiến giới yêu nhạc ở phố núi luôn tự hào vì hai ca khúc về Pleiku xuất hiện ở đầu và cuối thế kỷ 20 đều ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng gần xa, đó là: “Em Pleiku má đỏ môi hồng” của Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định và “Đôi mắt Pleiku” của Nguyễn Cường. Tiếp sau đó là những “Tình ca Đắk Bla”, “Và ta đã thấy mặt trời rạo rực trên cao nguyên”, đường nét trữ tình của dân ca J’rai, Bâhnar, nhịp điệu rộn ràng của dân ca Sê Đăng đã hòa quyện rất kín đáo mà vẫn không lẫn với mọi vùng miền khác, không bị ám ảnh bởi chất liệu dân ca Êđê, tiếp tục làm nên những thành công của ông.
 
Điều đáng nói mà ít người biết, chính là cách vận dụng chất liệu dân ca riêng ở từng miền đất Tây Nguyên của Nguyễn Cường đã tác động mạnh mẽ đến các nhạc sĩ trong khu vực, để họ xoáy vào âm điệu nơi cư trú của mình rõ nét hơn, làm mới và không chung chung nữa. Ví như A Đuh với dân ca Rngao và Sê Đăng ở Kon Tum; Quang Dũng, Mạnh Trí với dân ca Êđê ở Đắk Lắk; Trọng Thủy, Đình Nghĩ, Krazan Plin, Krazan Đick với âm hưởng Chu Ru, K’ho ở Lâm Đồng; Ngọc Tường, Lê Xuân Hoan ở Gia Lai…
 
Cũng chính Nguyễn Cường là người đã trực tiếp tạo nên một thế hệ tác giả người dân tộc bản địa Tây Nguyên như Y Sơn Niê, Y Phôn Ksor, Linh Nga Niê Kdam… nối tiếp sự nghiệp âm nhạc của mình, tiếp tục đem âm nhạc Tây Nguyên đến với bạn yêu nhạc cả nước. Rất nhiều nhạc sĩ khi viết khí nhạc dân tộc và nhạc múa cho các tỉnh Tây Nguyên ở thế kỷ 21 sau này cũng chú trọng đặc trưng dân nhạc từng địa phương như cách Nguyễn Cường đã làm; thậm chí trích nguyên xi cả làn điệu dân ca vào các tác phẩm. Tên tuổi của cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan và ca sĩ Siu Black cũng chói sáng từ những sáng tác của Nguyễn Cường.Nếu âm nhạc cả nước ghi công nhạc sĩ Nhật Lai, Kpă Púi, Rchom Y Yơn và Đoàn Ca múa Tây Nguyên (nay là Nhà hát nghệ thuật Đam San, Gia Lai) đã mang âm nhạc dân gian Tây Nguyên đến với cả nước; thì âm nhạc Tây Nguyên đương đại cũng nên ghi công nhạc sĩ Nguyễn Cường khi đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển từ âm nhạc dân gian của mỗi địa phương miền cao nguyên đất đỏ.
 
Linh Nga Niê Kdam
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.