Multimedia Đọc Báo in

Những nét ẩm thực đặc trưng ở vùng biên giới Tây Nam

08:49, 05/08/2018

Do đặc điểm đa dạng về địa lý và sự cộng cư lâu đời của các dân tộc, miền biên giới Tây Nam thuộc tỉnh An Giang có nhiều sản vật và những món ẩm thực rất đặc trưng.

Đi dọc những con đường về Thất Sơn, xuyên qua vùng bán sơn địa hùng vĩ và thơ mộng, bạn sẽ gặp rất nhiều những hàng quán bán nước giải khát thốt nốt. Thốt nốt là loại cây họ cọ dừa được người Khmer trồng khá nhiều ở vùng Bảy Núi. Nước trái thốt nốt có vị ngọt, chua nhẹ, hơi the và thơm dịu, giải khát rất tốt. Bạn có thể ghé các cửa hàng quanh Khu du lịch đồi Tức Dụp cách thị trấn Tri Tôn 8 km để mua đường thốt nốt. Đây là loại đường được làm từ nguyên liệu là nước thốt nốt trích từ cuống hoa của cây này, được người Khmer nấu, chế biến theo phương pháp thủ công thành những thỏi đường vàng óng, trong suốt, thơm ngon và bán với giá khoảng 25.000 đồng/kg. Đường thốt nốt dùng để nấu các loại chè, cho hương vị rất đậm đà, hấp dẫn.

Về ngang chợ Châu Đốc mà không ghé mua khô và mắm ở đây thì thật là uổng. Chợ thực phẩm Châu Đốc nổi tiếng là vựa khô, mắm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có cả khô, mắm từ Biển Hồ (Campuchia) mang sang như: khô cá tra phồng, khô cá lóc, khô cá sửu... rất ngon. Mắm Châu Đốc cũng rất đa dạng, tha hồ chọn lựa: mắm ruột trộn đu đủ, mắm cá trèn, mắm cá linh… Mắm Châu Đốc mang thương hiệu “Bà giáo Thảo” nổi tiếng khắp nơi.

Qua phà Châu Đốc đến với chợ Châu Giang của người Chăm, bạn sẽ gặp những dàn “Tung lò mò” được phơi bày dọc theo đường. “Tung lò mò” giống như lạp xưởng nhưng ngắn và tròn trịa có khúc.

“Tung lò mò” của người Chăm.
“Tung lò mò” của người Chăm.

Trong tiếng Chăm “tung” nghĩa là ruột, “lò mò” là con bò; hiểu theo tiếng Việt nghĩa là lạp xưởng bò. Cách làm giống như lạp xưởng heo của người Hoa, nhưng có thêm vài bí quyết gia truyền đặc trưng. Thịt bò vụn nhưng chất lượng ngon như đùi, bắp hoặc thịt bò nạc lóc từ xương được xắt nhuyễn, băm chung với mỡ bò, trộn đều với tiêu, tỏi, bột ngọt, đường cùng một vài loại gia vị bí truyền và nhất thiết phải thêm cơm nguội. Ruột bò lộn bề trái, cạo, rửa nước muối, rửa sạch rồi lộn lại, phơi hơi se. Thịt trộn xong, để cho thấm, dồn vào ruột bò, thắt từng khúc dài khoảng 6 cm, tròn cỡ ngón chân cái, phơi chừng 3 nắng là được. Bí quyết khá đơn giản để “tung lò mò” ngon hơn lạp xưởng là  nhờ cơm nguội lên men có vị chua. “Tung lò mò” cho lên bếp than nướng tỏa khói hương thơm ngào ngạt, mỡ chảy xuống bếp xèo xèo, miếng thịt săn nóng lại; gắp miếng “tung lò mò” chấm với tương phở đen và tương ớt, kèm với rau húng quế, nghe quyện trong miệng các hương vị ngọt, bùi, béo, chua nhẹ, cay cay thơm lừng hấp dẫn đến tận chân răng, đầu lưỡi.

Về thành phố Long Xuyên, bạn hãy ghé vào một nhà hàng hay một quán ăn tươm tất nào đó gọi một cái lẩu cá basa nấu chua với cơm mẻ hoặc xoài dốt. An Giang là xứ sở của cá tra, cá ba sa. Giá cả ẩm thực ở Long Xuyên cũng khá bình dân. Một cái lẩu mắm hoặc lẩu chua cho bốn người ăn chỉ từ 120.000 đến 200.000 đồng.

Bông điên điển là loại rau đặc trưng của vùng đầu nguồn sông Hậu.
Bông điên điển là loại rau đặc trưng của vùng đầu nguồn sông Hậu.

Bông điên điển là loại rau đặc trưng của vùng đầu nguồn sông Hậu, có nhiều vào mùa nước nổi. Bông điên điển chấm mắm kho, nhúng lẩu, trộn gỏi, xào trứng hay làm nhân bánh xèo đều là những món ẩm thực dân dã nhưng độc đáo, nếu ai đã dùng qua một lần sẽ khó quên hương vị của loại hoa đồng cỏ nội này…

 Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.