Multimedia Đọc Báo in

Thị xã Buôn Hồ: Nỗ lực bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng

10:56, 26/08/2018
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành và ý thức gìn giữ văn hóa cồng chiêng của người dân, thời gian qua TX. Buôn Hồ đã có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng.
 
Nhiều năm qua, xã Cư Bao (TX. Buôn Hồ) có một đội nghệ nhân đánh chiêng, nhưng nay các thành viên đã lớn tuổi, nên việc thành lập đội chiêng trẻ là trăn trở của nhiều người dân ở địa phương. Hè năm 2018, Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã phối hợp với UBND xã Cư Bao tổ chức lớp dạy đánh chiêng hè cho các em thiếu nhi người dân tộc thiểu số của hai buôn Krum A và Krum B. Nghệ nhân Y Puih Arul, người truyền dạy đánh chiêng cho các em bày tỏ: “Bên cạnh việc tổ chức truyền dạy đánh chiêng, chúng tôi còn được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp một bộ chiêng đồng gồm 7 chiếc. Đã lâu rồi, buôn mới có bộ chiêng đầy đủ thế này. Trước đây, chiêng trong buôn nhiều lắm nhưng bị mất dần từng chiếc, đến nay tuy nhiều nhà cũng còn nhưng không đủ bộ. Giờ có chiêng rồi, tôi cũng vận động người dân trong buôn cho các em thiếu nhi thường xuyên tập luyện đánh chiêng”.
 
Không riêng xã Cư Bao, trong năm 2018, TX. Buôn Hồ được Sở Văn hóa -  Thể thao và Du lịch cấp bộ 7 chiêng đồng. Sau khi được cấp, các buôn trên địa bàn đã sử dụng chiêng cho việc sinh hoạt ở buôn trong các ngày lễ, buổi giao lưu, lễ cúng… và tham gia các liên hoan, các hoạt động văn hóa, văn nghệ về cồng chiêng của thị xã và tỉnh. Mặt khác, Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã phối hợp với các xã, phường tổ chức được 4 lớp dạy đánh cồng chiêng cho 105 em trên địa bàn. Dạy các em đánh cồng chiêng là các nghệ nhân tại địa phương, phần lớn là những già làng, những người am hiểu truyền thống của dân tộc mình.
 
Lớp dạy đánh chiêng tại xã Ea Drông.
Lớp dạy đánh chiêng tại xã Ea Drông.
Ông Y Lam Kriêng, nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng ở buôn Kli A (phường Đạt Hiếu) cho hay, nếu như trước đây các em chỉ học trên chiêng tre, thì hiện nay một số đội chiêng đã được học trên chiêng đồng, qua đó các em đã hiểu hơn và bắt đầu say mê âm thanh cồng chiêng. 
 
Công tác bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng luôn gặp những thách thức, khó khăn, như: không gian diễn xướng văn hóa cồng chiêng bị thu hẹp, các nghi lễ truyền thống không còn được duy trì thường xuyên… Do đó, có thể nhận thấy, việc thường xuyên tổ chức các lớp dạy đánh chiêng trẻ, cũng như công tác tiếp nhận và sử dụng chiêng đồng do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp đã thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc thực hiện Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND, ngày 30-8-2016 của HĐND tỉnh về việc “Bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn TX. Buôn Hồ. Ông Trần Văn Thuyết, Phó Phòng Văn hóa - Thông tin TX.  Buôn Hồ cho rằng, chính các đội chiêng trẻ đã góp phần gìn giữ bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn. Bên cạnh đó, các em còn thường xuyên được tạo điều kiện để tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu văn hóa văn nghệ và rèn luyện các kỹ năng, phương pháp đánh cồng chiêng, qua đó giúp các em hiểu được giá trị to lớn của cồng chiêng trong đời sống cộng đồng.
 
Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Văn hóa - Thông tin TX. Buôn Hồ, hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 200 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, khoảng 20 nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng, 3 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, hơn 100 nghệ nhân biết sử dụng nhạc cụ tre nứa, khoảng 20 nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ, khoảng 130 người biết nghề truyền thống… Từ năm 2015 đến nay, Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã đã mở hàng chục lớp truyền dạy đánh chiêng và thành lập 25 đội chiêng trẻ (21 đến 30 em/đội chiêng).
 
Nguyễn Gia
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.