Multimedia Đọc Báo in

Buôn Ma Thuột hướng đến đô thị giàu bản sắc

09:36, 02/09/2018

Chiều sâu văn hóa đô thị sẽ không còn, nếu như trong quá trình phát triển người ta không giữ được vốn văn hóa truyền thống vốn ẩn tàng và bàng bạc trong đời sống hàng ngày. Vốn văn hóa ấy có thể nhận thấy qua ngôn ngữ giao tiếp, tri thức bản địa, hoạt động làng nghề, lễ hội đính kèm với sinh hoạt văn hóa – văn nghệ dân gian của các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ.

Những giá trị ấy trong lòng đô thị Buôn Ma Thuột có còn không? Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở đây cho rằng, trong bối cảnh công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay thì vốn văn hóa dân gian không còn tồn tại thành một thể thống nhất nữa, mà bị chia nhỏ và biến đổi cả về cấu trúc lẫn chức năng theo xu thế của xã hội hiện đại. Nói cách khác, văn hóa dân gian đã dần mất đi cơ sở tồn tại, không còn môi trường nuôi dưỡng, phát triển và thăng hoa như xưa.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn – Trường Đại học Tây Nguyên) – với Buôn Ma Thuột thì khác, đây là một đô thị hiếm hoi của cả nước còn giữ lại được những giá trị văn hóa trên nhờ sở hữu nhiều buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ còn tồn cư trong lòng thành phố. Nhất là nét sinh hoạt văn hóa của họ như diễn tấu cồng chiêng, chế tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc, múa hát dân gian, dệt thổ cẩm và làm đồ mỹ nghệ… đã góp phần làm nên sự khác biệt và độc đáo trong đời sống hiện đại ở đô thị miền núi này. Vì thế, bằng mọi cách phải gìn giữ, tôn tạo nét độc đáo và khác biệt ấy để Buôn Ma Thuột trở nên giàu bản sắc và hấp dẫn hơn dưới góc nhìn của du khách và bạn bè gần xa.         

Hát múa dân gian tại điểm du lịch văn hóa - sinh thái Akô Dhông thu hút du khách .
Hát múa dân gian tại điểm du lịch văn hóa - sinh thái Akô Dhông thu hút du khách.

Ông Đoàn Văn Thống, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột cho rằng, gần 30 buôn dân tộc thiểu số tại chỗ đang hiện hữu trong lòng đô thị là con số khá ấn tượng và đáng lưu tâm trong việc quy hoạch, phát triển đời sống kinh tế, văn hóa ở các khu dân cư, đặc biệt là đối với những nơi tập trung người bản xứ sinh sống. Việc gìn giữ và tôn tạo các buôn làng ở đây là vấn đề không thể bỏ qua, bởi nó đồng nghĩa với việc hạn chế sự chia nhỏ, xé lẻ cấu trúc xã hội truyền thống của bà con – và hơn thế còn tạo ra môi trường nuôi dưỡng cho những giá trị văn hóa dân gian ở đây tồn tại, phát triển theo thể thống nhất và toàn vẹn.

Hiện chính quyền thành phố đã có những bước khởi động tích cực nhằm hướng đến mục tiêu trên như khảo sát, quy hoạch một số điểm du lịch cộng đồng tại các buôn làng người Êđê sinh sống để vừa tạo sinh kế cho bà con, vừa gìn giữ bản sắc riêng có cho đô thị, đây có thể xem là hướng đi thích hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.

Một số dự án phát triển du lịch văn hóa – sinh thái đang được doanh nghiệp và cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ liên kết, xúc tiến triển khai tại buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi), buôn Kmrơng Prông B và Kô Tam (xã Ea Tu) đã cho thấy việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở đây được quan tâm và trở nên khả thi hơn. Đó chính là môi trường, không gian lý tưởng nhất để cho mọi người cảm nhận được chiều sâu văn hóa trong lòng đô thị trẻ trung, hiện đại như Buôn Ma Thuột hôm nay.   

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.