Multimedia Đọc Báo in

Đua voi, có phải là một thực hành văn hóa?

08:03, 09/09/2018

Lễ hội truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn đang được chính quyền địa phương quyết tâm nâng cấp trở thành lễ hội có quy mô cấp tỉnh theo chủ trương của UBND tỉnh, nhằm phục vụ du khách trong các kỳ Festival Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức 2 năm/lần. Trọng tâm của lễ hội này là Hội Voi Buôn Đôn diễn ra với nhiều hoạt động phong phú và sôi nổi, trong đó có đua voi.

 
“Nhìn ở góc độ luật tục thì việc đua voi hay vượt sông, đá bóng… với tần suất liên tục trong điều kiện thời tiết tháng ba Tây Nguyên khô nóng, khắc nghiệt khiến voi mệt nhọc và kiệt sức là vi phạm những điều cấm kỵ của ông bà mình đặt ra”. 
 
Ông Y Mắk Byă, buôn Trí B,  xã Krông Na, huyện Buôn Đôn

Có thể nói, đua voi là một trong những nội dung quan trọng và đặc thù  của lễ hội trên, đồng thời là sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn du khách nhất hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi: Đua voi có phải là một thực hành văn hóa truyền thống của cộng đồng ở đây? Ông Y Mắk Byă cũng như anh Y Đông Ksor (buôn Trí B, xã Krông Na) cho rằng, Buôn Đôn vốn nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng từ hơn một thế kỷ qua. Bản nguyên của nghề này là từ khi người Lào ở phía Nam ngược dòng Sêrêpôk lên đây buôn bán, trao đổi sản vật với cư dân bản xứ. Họ qua lại nhiều lần như thế và nhận ra vùng đất này trù phú, quyến rũ nên có một bộ phận thương hồ lưu lại ở đây cư trú, lập nghiệp.

Từ đó, địa danh Bản Đôn (theo tiếng Lào nghĩa là làng đảo) ra đời  gắn với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng được đưa từ Lào sang, về sau càng phát triển mạnh mẽ trong các cộng đồng quần cư dọc sông Sêrêpôk, bao gồm cả người Lào, M’nông, Êđê và J'rai. Những thực hành văn hóa truyền thống có liên quan đến nghề này như cúng sức khỏe cho voi, làm lễ cho voi nhập buôn và khóc voi khi nó chết… được cộng đồng người tại chỗ duy trì, gìn giữ từ xưa đến nay, còn việc đua voi (trên cạn cũng như dưới nước) thì không hề có. Đây là sản phẩm được các doanh nghiệp làm du lịch “sáng tạo” ra để thu hút du khách, tìm kiếm lợi nhuận mà thôi.

Thực hiện nghi lễ cúng sức khỏe cho voi.
Thực hiện nghi lễ cúng sức khỏe cho voi.

Theo ông Y Mắk, nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng cũng có luật tục rõ ràng nhằm dẫn dắt, chi phối mọi thành viên trong cộng đồng hướng đến việc ứng xử, bảo vệ loài động vật này một cách khắt khe và khoa học. Luật tục yêu cầu phải xem voi như một thành viên trong cộng đồng, không đánh đập và đối xử tàn tệ với voi. Đặc biệt, trong khi săn bắt và thuần dưỡng thì nhất định không được bắt voi rừng dưới 5 tuổi; voi được thuần dưỡng xong, đưa về nhập buôn phải làm lễ cúng; voi chết phải làm lễ khóc và kể công trạng cho voi.

Trong đời sống lao động, sản xuất thì tùy hoàn cảnh cụ thể mà voi tham gia cùng con người như một lực lượng (phương tiện) đồng chủ thể: khi kéo gỗ dựng nhà, lúc thồ hàng hóa, vận tải… phục vụ cho mục đích của cộng đồng. Vì thế nhiều chủ voi cao tuổi như ông Siu Joa, Y Mắk cho rằng, ngoài những hoạt động trên, voi Buôn Đôn không tham gia bất kỳ hoạt động nào mang tính lễ hội (được bày đặt) ra như ngày nay để thu hút du lịch.

Đua voi ở Bản Đôn được tổ chức vào tháng 3-2017.
Đua voi ở Bản Đôn được tổ chức vào tháng 3-2017.

Hầu hết chủ sở hữu đàn voi nhà Buôn Đôn hiện nay đều bày tỏ, mọi hoạt động liên quan đến voi như đua voi, vượt sông, thậm chí đá bóng, diễu hành… được các doanh nghiệp làm du lịch tài trợ, thậm chí là lôi kéo đã dần đánh mất bản sắc “Văn hóa voi” trong đời sống của cộng đồng người bản xứ. Mong rằng, từ những phản ánh và tham vấn trên, chính quyền huyện Buôn Đôn nên cân nhắc trong việc xây dựng và thực hiện Đề án “Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn” được tổ chức vào tháng 3 của năm diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các hoạt động văn hóa có liên quan đến voi sao cho phù hợp với tinh thần, ý nguyện của đông đảo cộng đồng ở đây.

         Đình Đối

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.