Multimedia Đọc Báo in

Gặp lại những nghệ nhân làm gốm M'nông

15:44, 25/09/2018

Trong các nhóm người dân tộc M’nông thì chỉ có nhóm M’nông Rlăm là biết làm gốm. Gốm của người M’nông Rlăm một thời dài đã làm ăn phát đạt, sản phẩm làm ra được nhiều tộc người bản địa khắp vùng ưa dùng.

Làng gốm của đồng bào M’nông nằm kế bên Hồ Lắk tưởng sẽ thuận lợi khi có hoạt động du lịch sôi nổi nhưng càng về sau nghề làm gốm của người dân nơi đây càng ít được người biết tới. Tưởng đâu làng gốm này đã thất truyền, không còn nghệ nhân nào biết đến nghề làm đồ gốm nữa.

Nhưng thật ngạc nhiên, thú vị khi mới đây chúng tôi đã được gặp lại những nghệ nhân làm gốm của Đắk Lắk là bà H’Phiết Uông và Mây Kim tại Festival Gốm sứ do thành phố Hội An tổ chức. Cùng với các nghệ nhân dân tộc Chăm tỉnh Bình Thuận và các địa phương khác, hai nghệ nhân gốm người M’nông đã tham gia trình diễn nghề làm gốm đặc sắc của dân tộc mình tại Công viên Gốm đất nung, làng gốm Thanh Hà, Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Các nghệ nhân M’nông tỉnh Đắk Lắk đến đô thị cổ Hội An mang theo dụng cụ hành nghề, sản phẩm hoàn thiện, nguyên liệu để vừa trưng bày vừa trình diễn. Có lẽ đây là lần đầu tiên gốm M’nông được mang về giới thiệu tại vùng đồng bằng duyên hải miền Trung. Hai nghệ nhân M’nông luôn bận rộn trong suốt mấy ngày lễ hội để trình diễn cho du khách trong và ngoài nước về cách thức làm gốm của đồng bào mình. Qua đó, những người thợ thủ công làng gốm M’nông đã cho du khách và những người yêu đồ gốm cổ truyền nhiều thông tin lý thú, bổ ích.

Nghệ nhân H’Phiết Uông và Mây Kim đang đánh bóng sản phẩm gốm.
Nghệ nhân H’Phiết Uông và Mây Kim đang đánh bóng sản phẩm gốm.

Đây là nghề được người M’nông truyền từ mẹ sang con, phụ nữ đảm nhận vai trò làm gốm từ lúc lấy đất cho đến lúc nung thành sản phẩm. Nguyên liệu làm gốm là đất sét lấy ở ruộng dưới chân núi Chư Yang Sin. Đất sét có màu nâu sẫm đặc trưng. Điều đặc biệt là sản lượng đất sét khá ít, mỗi lần khai thác chỉ được 1 - 3 gùi. Theo kinh nghiệm của dân làng, mỗi lần khai thác phải cách nhau 2 - 3 ngày thì đất sét mới xuất hiện. Đất sét mang về được trộn với nước và giã thật nhuyễn và dẻo, loại bỏ các hạt cát, sạn lẫn trong đất sét rồi bắt đầu chế tác. Công đoạn tạo hình cho gốm hoàn toàn bằng tay. Người thợ đi vòng tròn xung quanh vật để tạo hình. Sử dụng đôi tay khéo léo, nhuần nhuyễn và các dụng cụ thô sơ như thanh tre vót mỏng, vòng tre, mảnh vải ướt để tạo hình cho vật. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng theo các phụ nữ M’nông chia sẻ rằng phải mất 3 - 5 năm mới có thể làm nhuần nhuyễn các động tác và tạo hình cho gốm.

Sau bước tạo hình, chờ cho sản phẩm ráo bớt nước và khô dần, người thợ bắt đầu vẽ hoa văn bằng những que tre, que củi hoặc lông con nhím. Hoa văn cũng rất đơn giản, có thể là những vòng tròn xung quanh miệng nồi, ché, chõ, có thể là cỏ cây hoa lá cách điệu, có thể là các đường hình học đơn giản… Chờ cho sản phẩm khô thêm, người thợ chuyển sang bước đánh bóng. Việc đánh bóng mất khá nhiều thời gian và phải tỉ mẩn. Người thợ dùng hòn sỏi thật bóng chà xát liên tục lên bề mặt của sản phẩm để tạo độ bóng và láng. Một sản phẩm có thể chà nhiều lần, thậm chí 5 - 7 lần. Sau bước này, sản phẩm được phơi khô hoàn toàn trước khi nung.

Để bảo tồn, duy trì các làng nghề gốm của đồng bào, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần quan tâm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân trong các hoạt động lễ hội, festival làng nghề, festival gốm sứ. Qua đó, những nghệ nhân giỏi đang còn giữ bí quyết, quy trình và kỹ thuật chế tác cũng như các sản phẩm của họ sẽ được nhiều người, nhiều nơi biết đến. Cần đưa làng nghề làm gốm của đồng bào vào điểm du lịch để các sản phẩm của đồng bào làm ra, nhất là đồ gốm mang tính chất hàng lưu niệm được đến tay du khách.

Người thợ chọn ngày nắng đẹp để nung gốm. Người M’nông nung gốm lộ thiên, không có lò. Sản phẩm đặt trên nền đất trống, bên dưới có lót củi khô. Những vật nhỏ xếp ở giữa, các vật lớn hơn xếp xung quanh. Bên ngoài che kín bằng củi khô và rơm. Thời gian nung tùy thuộc vào số lượng gốm, thông thường từ 30 - 60 phút. Người M’nông quan niệm rằng màu đen là màu đẹp và là màu truyền thống nên sau khi nung họ nhuộm đen toàn bộ sản phẩm. Việc nhuộm màu cũng bằng phương pháp tự nhiên. Gốm sau khi nung chín rất nóng và được vùi ngay vào vỏ trấu. Vỏ trấu cháy tạo khói, khói này ám vào gốm và làm đen gốm. Những sản phẩm được đánh bóng kỹ lưỡng ở công đoạn trước sẽ cho bề mặt rất đen và bóng, nhìn giống như kim loại. Đây chính là màu đặc trưng của gốm M’nông và là sự khác biệt so với các dòng gốm khác.

Một số sản phẩm đồ gốm của dân tộc M'nông Rlăm.
Một số sản phẩm đồ gốm của dân tộc M'nông Rlăm.

Sản phẩm làm ra chủ yếu là các loại nồi tròn có miệng nhỏ để nấu cháo, nấu nước, nấu thuốc… hoặc nồi miệng rộng để nấu cơm và nấu thức ăn; chõ hấp xôi. Sau này khi nhu cầu nhiều hơn, người ta còn làm ra thêm nồi đồng (mô phỏng theo hình dáng nồi đồng của người Việt), chảo rang cà phê, hũ, ché… Hiện nay thợ gốm M’nông còn làm thêm các sản phẩm phục vụ khách du lịch như con trâu, con bò, con voi, hồ lô, lọ hoa… Quy trình chế tác gốm của người M’nông rất thô sơ, gần như nguyên thủy, phản ánh đời sống tự cung tự cấp, nhỏ lẻ của nghề chứ không lập thành làng nghề như các làng nghề của người Việt ở vùng đồng bằng.

Hiện nay, nghề gốm của đồng bào M’nông Rlăm cũng như các tộc người khác ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Trước đây, hầu như nhà nào cũng sử dụng gốm cổ truyền chế tác thủ công nên người làm gốm được coi trọng. Ngày nay, gốm cổ truyền không thể cạnh tranh với hàng nhựa rẻ tiền, hàng kim loại bền chắc hay các dòng gốm hiện đại khác khiến thợ gốm bỏ dần nghề. Hiện nay tại thôn Dơng Bắk, xã Yang Tao (huyện Lắk) chỉ còn bốn nghệ nhân là Yo Khoanh, H’Huyên, Mây Kim, H’Luông Tu làm gốm thường xuyên. Sản phẩm của họ làm ra chủ yếu bán cho một số người già trong buôn có thói quen dùng gốm cổ truyền hoặc bán cho vài khách du lịch đến tham quan buôn làng, tìm hiểu văn hóa dân tộc.

Thiết nghĩ, việc bảo tồn nghề làm gốm cổ của người M’nông là quan trọng và cấp thiết đòi hỏi nỗ lực của nhiều cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, điều hết sức quan trọng là cần phải tìm hiểu và nghiên cứu kỹ văn hóa, bản sắc của người M’nông để không đánh mất đi phần hồn trong sản phẩm gốm cổ truyền. Cần có dự án bảo tồn và phát triển nghề làm đồ gốm không chỉ ở buôn làng người M’nông Rlăm ở Đắk Lắk mà cho cả vùng Trường Sơn - Tây Nguyên như nghề gốm của dân tộc Cơtu, Giẻ Triêng, Ba Na... vì đây là dòng gốm thô mộc, không dùng bàn xoay để chế tác và nung gốm lộ thiên.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.