Người "giữ lửa" nghề dệt truyền thống ở buôn Kpung
Cứ đều đặn mỗi buổi sáng, trước hiên nhà, bà H’Đroah Bđáp ở buôn Kpung, xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) lại say sưa dệt thổ cẩm.
Qua đôi bàn tay khéo léo của bà, hình ảnh người đàn ông đi rẫy, con chim trên nương, con rùa dưới suối… dần dần hiện lên sống động trên từng tấm vải. Không chỉ biết dệt vải, bà H’Đroah còn tạo ra nhiều sản phẩm thổ cẩm như: túi đeo, khố, áo nam, dây quấn đầu, áo váy nữ... Các sản phẩm đều đẹp từ chất liệu đến hoa văn họa tiết trang trí.
Nhiều người đến nhờ bà H’Đroah (bên phải) hoàn thiện sản phẩm thổ cẩm truyền thống. |
Ngày còn nhỏ, bà H’Đroah được mẹ chỉ cho cách dệt, từ đó mê luôn. Bởi theo quan niệm của bà, người phụ nữ giỏi giang phải biết dệt thổ cẩm đẹp, và dệt thật nhanh. “Hồi đó nhà nào cũng biết dệt, biết làm hoa văn, tôi hay đi theo mẹ đến nhà bạn bè chơi để xem các bà, các mẹ thêu, dệt rồi về học theo. Cứ mỗi khi rảnh rỗi tôi lại tập cách dệt và thêu hoa văn truyền thống. Thêu là công đoạn khó nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn thì mới tạo ra một tấm thổ cẩm đẹp”, bà H’Đroah tâm sự.
Ông Y Dưp Bđáp, Trưởng buôn Kpung
|
Nghề dệt thổ cẩm đã ngấm sâu vào “máu thịt” của nhiều phụ nữ Êđê trong buôn Kpung. Thế nhưng hiện phần lớn các mẹ, các chị trong buôn chỉ biết dệt vải, còn việc tạo hoa văn trên thổ cẩm thì chỉ duy nhất bà H’Đroah, bởi đây là công đoạn rất khó. Ước mong lớn nhất của bà H’Đroah là không muốn nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình mai một theo thời gian. “Tôi thường xuyên vận động chị em trong buôn học làm hoa văn thổ cẩm nhưng ai cũng bảo nghề này khó học lắm”, bà H’Đroah trải lòng.
Qua trò chuyện bà H’Đroah cho biết, phải mất cả tháng mới dệt xong tấm vải thổ cẩm, sau khi trừ đi chi phí chỉ lãi được khoảng 500 nghìn đồng. Đầu ra của sản phẩm không thường xuyên, do đó người đeo đuổi nghề dệt truyền thống ngày càng ít - đây cũng là điều trăn trở của những người lớn tuổi trong buôn. Ông Y Dưp Bđáp, Trưởng buôn Kpung khẳng định: “Bà H’Đroah là nghệ nhân duy nhất còn lại của buôn biết làm hoa văn trang trí trên thổ cẩm. Không chỉ người trong buôn mà nhiều người trong xã cũng tìm đến để nhờ bà làm hoa văn và hoàn thành sản phẩm. Vì thế, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, định hướng, đặc biệt là tạo môi trường để những nghệ nhân như bà H’Đroah có cơ hội truyền nghề, có như vậy nghề dệt thổ cẩm mới không bị mai một”.
Bà H’Đroah đang kiểm tra lại sản phẩm thổ cẩm sau khi đã hoàn chỉnh. |
Trước đây, UBND xã Hòa Hiệp đã có kế hoạch thành lập tổ hợp tác nghề dệt buôn Kpung nhưng đầu ra của sản phẩm quá ít, nên nhiều người không mặn mà. Ông Ngô Tấn Lễ, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp cho hay: “Tới đây, xã sẽ tạo cơ hội cho chị em phụ nữ Êđê giao lưu, học hỏi với bà H’Đroah để tiếp tục duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm. Chính quyền địa phương xác định khó khăn nhất vẫn là đầu ra sản phẩm, do đó xã đang rất nỗ lực tìm kiếm thị trường, từ đó tạo thêm động lực để gìn giữ nghề dệt truyền thống này”.
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc