Multimedia Đọc Báo in

Nhân 8 năm ngày mất Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan (2010 – 2018)

Dõi theo cánh chim Phí

15:31, 22/09/2018

Ví Y Moan như con chim Phí của núi rừng Tây Nguyên là hay nhất, vì nó khỏe khoắn và khoáng đạt - Nhạc sĩ Y Phôn nói với tôi như vậy hôm ngồi uống rượu cần tại nhà anh.

Trong tiệc rượu, Y Phôn bảo: “Cuối tháng 9 này gia đình lại làm giỗ cho Moan, ông sắp xếp đi cùng tôi đến thắp nén nhang rồi cùng anh em, bạn bè đàn hát như mọi khi”. Nhất định rồi, tôi sẽ cùng Y Phôn đến nhà  Y Moan ở buôn Dhăp Prông, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột.

 Mới đó mà nhanh thật, Y Moan về với “thế giới ông bà” đúng ngày 1-10-2010, nay đã tròn 8 năm. Chừng ấy thời gian, người yêu âm nhạc Tây Nguyên không còn trực tiếp nghe giọng ca “trăm năm có một” này hát nữa, nhưng những gì người nghệ sĩ tài danh ấy đã cống hiến cho cộng đồng, xã hội là không dễ phai mờ.

Nhắc đến Y Moan cùng giọng hát của anh, người ta nghe có hơi thở của núi rừng, có tiếng ầm ào thác đổ, có sức ấm nóng của ánh lửa nhà dài, có âm hưởng ngân vang của cồng chiêng và hơn hết là có tình yêu da diết với Tây Nguyên - vùng đất đầy nắng gió, chất chứa bao điều bí ẩn và mơ tưởng khôn cùng. Nhiều lần Y Phôn nói với tôi về Y Moan: Bẩm sinh âm vực đã rộng hơn 2 bát độ, vút lên tới sí, rớt thẳng xuống là nhẹ nhõm như không, sang trọng và vô cùng mạnh mẽ. Nội lực như thế có mấy ai bì kịp, sánh với con chim Phí trên trời và nước nguồn Sêrêpôk tuôn trào dưới mặt đất. Quả đúng vậy, nghe Y Moan hát, người ta thấy càng yêu thêm vùng đất M’Đrắk (Ơi M’Đrắk – Nguyễn Cường), yêu khí chất của những chàng trai Êđê, cảm thương những đôi chân trần của người cha đi lượm từng hạt thóc lo cho con từng bữa cơm chiều (Đôi chân trần – Y Phôn Ksor).

Cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan.  Ảnh: H. Gia
Cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan. Ảnh: H. Gia

Không chỉ hát dưới ánh đèn sân khấu, với cây đàn ghi ta, Y Moan đã đi khắp các buôn làng Tây Nguyên để hát cho đồng bào mình nghe. Và trong không gian sân khấu là sương là gió, là nắng, là ánh lửa bập bùng, khán giả là những con người bình dị vẫn nghe đứa con của núi rừng hát như trút hết tâm can của mình. Hát đến nỗi Nhạc sĩ Nguyễn Cường (vừa là bạn, vừa là người thầy của Y Moan) thốt lên rằng:  “Hát như thể hát lần cuối rồi giải nghệ. Hát như đánh bạc đến hào cuối cùng vậy!”.

Còn nhớ, cũng vào thời gian này - những ngày trung tuần tháng 9-2010, Y Moan từ  bệnh viện trở về nhà để sống những ngày cuối cùng vì căn bệnh quái ác ung thư dạ dày. Tôi cùng vài người bạn từ Hà Nội vào đến thăm anh. Y Moan tiếp chúng tôi sau một cơn nôn mửa kéo dài vài phút rồi thầm thì: “Không thể nuốt được bất cứ thứ gì vào bụng, vì cái dạ dày đã hết đát rồi, chỉ truyền đạm và thỉnh thoảng uống vài ngụm sữa mà thôi”. Vừa nói, anh vừa chỉ cho chúng tôi xem tấm ảnh chụp hồi còn sung sức được treo trang trọng trong phòng khách rồi hóm hỉnh đùa: “Nhìn cái thằng Y Moan trong ảnh mà thèm, nó như cây gỗ lim trong rừng, nặng đến bảy mươi tư ký đấy. Còn giờ sụt hơn ba chục ký, đứng lên hay ngồi xuống phải có người phụ giúp”. Đúng thế thật, từ phòng khách vào phòng thu âm để bật máy cho tôi nghe đĩa CD ca nhạc mà ba cha con anh vừa mới hoàn thành, Amí Vol (vợ Y Moan) phải khoác vai chồng dìu đi chầm chậm.

CD này là đĩa thu băng cuối cùng của anh trong chặng đường hơn 30 năn ca hát. Những ca khúc viết về Tây Nguyên của các nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trần Tiến, Cát Vận, Y Phôn Ksor… do Y Moan thể hiện vang lên mạnh mẽ, cuốn hút và tràn đầy nhựa sống như ngày nào anh còn ngược xuôi lưu diễn khắp buôn xa, làng gần… Giờ đây Y Moan ngồi đó - trong căn phòng nhỏ không ánh đèn màu, không có sức nóng của cả rừng người cuồng nhiệt, nhưng tôi vẫn thấy trong đôi mắt ấy thỉnh thoảng sáng lên và lấp lánh niềm hạnh phúc vô bờ bến. Niềm hạnh phúc ấy khác với những lần anh bước ra sân khấu, thay vì nở nụ cười chia sẻ, tự hào đáp lại khán giả vì được mọi người ngưỡng mộ, tán thưởng thì lần này nó lặn vào nơi sâu kín nhất như thể một thứ năng lượng sống hiếm hoi và khó nhọc còn lại để  anh tri ân với cuộc đời, chiêm nghiệm những gì đã qua của kiếp người hạn hữu.

Trong đó, có một điều mà Y Moan day dứt mãi là muốn được “trả nợ” cho quê hương bằng một bữa tiệc âm nhạc dân gian Êđê đúng nghĩa. Ở đó, người nghệ sĩ tài hoa này sẽ hát cho đồng bào mình nghe bằng trái tim cháy bỏng như những ngày đầu tiên ấy. Nhưng không kịp nữa rồi, chưa đầy nửa tháng sau, con chim Phí kia đã bay về trời xanh mãi mãi…

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.