Nỗ lực phát huy giá trị Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Để di tích thật sự là điểm đến du lịch
Khi đến tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột, du khách sẽ nhận ra ở đây có gì khác biệt so với nơi khác là điều quan trọng bậc nhất đặt ra trong mục tiêu biến di tích lịch sử này thành điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Nhiều người cho rằng, để đạt được mục tiêu trên có quá nhiều việc cần phải làm. Ngoài nguồn lực tài chính không hề nhỏ bỏ ra để đầu tư, xây dựng thì tầm nhìn của chính quyền địa phương trong bài toán bảo tồn - phát triển ở đây phải thống nhất và xuyên suốt, ít nhất là về mặt nhận thức, rằng đây không đơn thuần là một dự án kinh tế, mà là một phức hợp các giá trị đòi hỏi có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều nghề ở mọi cấp độ chuyên môn nhằm tạo ra biến chuyển xã hội dựa trên nền tảng kế thừa và sáng tạo.
Bà H’Nga Byă, phụ trách khu Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột cho biết, từ năm 2015 đến nay, có khoảng 47.000 lượt khách đến đây tham quan, bình quân mỗi năm chưa đến 10.000 lượt khách – một con số quá khiêm tốn so với những khu di tích lịch sử cùng hệ khác như Nhà tù Sơn La, Hỏa Lò, Phú Quốc và Côn Đảo. Sản phẩm du lịch ở khu di tích này cũng chưa có gì đặc sắc, nổi trội ngoài những hình ảnh, tư liệu, hiện vật ít ỏi được cán bộ Ban Quản lý di tích sưu tầm cũng như một số đơn vị bảo tàng các tỉnh, thành phố và thân nhân cựu tù gửi tặng. Vì thế, thời gian tham quan, lưu lại tại di tích này hết sức ngắn ngủi, khiến các dịch vụ đính kèm du lịch tại chỗ không thể phát triển nhằm gia tăng chuỗi giá trị cho ngành kinh tế quan trọng này.
Tái hiện cảnh tra tấn, cực hình tù nhân tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. |
Thực tế là vậy, tuy nhiên không phải là không có đường hướng để xúc tiến và thúc đẩy điểm đến này khởi sắc, trở thành một tour trải nghiệm lịch sử - văn hóa không thể bỏ qua khi du khách đến Buôn Ma Thuột. Theo Ban Quản lý di tích tỉnh, mong muốn đầu tiên là phục dựng lại nguyên vẹn các yếu tố lịch sử (vật thể và phi vật thể) cấu thành giá trị di tích. Đó là một nhà đày đúng nghĩa do thực dân Pháp dựng lên với quy mô kiên cố gồm 4 bức tường cao dày (4 m x 40 cm) có dây thép gai giăng mắc phía trên, bốn góc có 4 vọng gác, điện chiếu sáng và lính canh 24/24 giờ. Ở giữa là 6 nhà lao tập thể, dãy xà lim biệt giam và một số hạng mục khác phục vụ cho việc cai trị, quản lý tù nhân như nhà xưởng (làm đồ mộc), nhà kho, bếp ăn, bệnh xá và khu cai ngục… Sau 1954, chế độ Mỹ - ngụy tiếp quản Nhà đày và xây dựng thêm kho quân nhu, cổng vào, nhà nguyện, nhà quốc thái dân an, nhà lao dành cho nữ tù… Tất cả đều phải được tôn tạo, phục dựng lại nguyên vẹn để khi du khách đến đây đều có cảm giác sống lại cùng thời gian và không gian lịch sử chân thực vốn có. “Cảm giác” này, nói như TS. Nguyễn Văn Cường – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - là sản phẩm du lịch đặc biệt, nên cần được đầu tư bài bản dưới góc nhìn, sự mẫn cảm của người làm du lịch.
“Qua lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cũng như du khách, họ đều mong muốn Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, tạo điểm nhấn văn hóa, địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, đồng thời tạo động lực mới để phát triển du lịch của địa phương…”
(Đề dẫn Hội thảo khoa học Phát huy giá trị di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột)
|
Theo đó, các cuộc tra tấn, hành xử khổ sai trong nhà lao, xà lim cũng được mô phỏng lại từ đầu đến cuối, hoặc theo từng nội dung dưới sự trợ giúp của công nghệ (hình ảnh, âm thanh, ánh sáng), qua đó cho người xem thấy được mức độ tàn bạo và rùng rợn của một “địa ngục trần gian” diễn ra như thế nào thời thuộc Pháp đô hộ và Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam. Ngoài ra còn có thể hình thành và phát triển thêm một số sản phẩm du lịch nữa như: tái hiện lại những cuộc vượt ngục của tù chính trị; các hình thức đấu tranh với kẻ thù; hoạt động lao dịch, khổ sai của các chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột trong những hoàn cảnh, điều kiện tồi tệ và cùng khổ nhất. Nếu được tổ chức, khai thác tốt các giá trị mang tính chất gốc tiêu biểu trên của di tích này để vừa bảo tồn, vừa phát triển du lịch (và ngược lại) thì chắc chắn đây là một điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách.
Ngoài ra, công tác sưu tầm, bổ sung hiện vật, hình ảnh, tư liệu liên quan đến di tích phải được duy trì thường xuyên để trưng bày, giới thiệu cho người xem cảm nhận được toàn cảnh về Nhà đày Buôn Ma Thuột. Trong đó, công tác trưng bày, giới thiệu bổ sung thêm cho những nội dung, chuyên đề nói trên là cần thiết và quan trọng, bởi qua đó giúp du khách chứng thực thêm giá trị của di tích, đồng thời đó cũng là tài nguyên du lịch có sức hút mạnh mẽ đối với những ai có nhu cầu tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm. Việc làm này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ từ các cấp, ngành chức năng, trong đó sự kết hợp giữa văn hóa – du lịch là không thể tách rời. Trong mức độ kết hợp này, tại Hội thảo khoa học Phát huy giá trị di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột diễn ra ngày 12-10-2018, TS. Lê Hồng Quý, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia cho rằng: Lấy du lịch nuôi di sản và ngược lại di sản là tài nguyên để phát triển du lịch. Có như vậy bài toán giữa bảo tồn – phát triển mới được giải quyết một cách rốt ráo và bền vững.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc