Những người giữ "hồn" dân tộc ở buôn Drăh
Trước cuộc sống hiện đại, khi những nếp nhà dài dần thưa thớt thì thanh âm của cồng chiêng vẫn vang vọng ở buôn Drăh (xã Cư Né, huyện Krông Búk). Ở đây, các thế hệ đang cùng nhau thắp lên ngọn lửa văn hóa dân tộc, để những mạch nguồn văn hóa được chảy mãi ở buôn làng.
Men theo con đường đất nhỏ dẫn vào buôn Drăh, chúng tôi đến nhà nghệ nhân Y Môi Mlô, đúng lúc ông đang cùng nghệ nhân Y Nguôn Niê say sưa chế tác bộ Ching kram mới. Dù đều đã gần bước qua tuổi thất thập, nhưng bằng sự nhiệt huyết và hơn cả là nỗi niềm đau đáu giữ gìn bản sắc văn hóa, những nghệ nhân này vẫn cố gắng duy trì công việc chế tác nhạc cụ của dân tộc mình. Ông Y Nguôn Niê tâm sự, chế tác nhạc cụ cũng giống như chăm sóc đứa con thơ của mình vậy, phải nắn nót, tỉ mỉ và đặc biệt là phải làm sao để âm thanh phát ra thật hay, thật chuẩn. Ông không nhớ là mình đã chế tác ra được bao nhiêu nhạc cụ, chỉ nhớ rằng khi nào chúng hỏng hoặc có việc cần, ông lại cùng ông Y Môi Mlô miệt mài đi tìm mua tre nứa về chế tác lại, để có cái cho dân làng sử dụng, để thanh âm của chúng mãi được vang vọng ở buôn Drăh.
Hai nghệ nhân Y Môi Mlô (bìa phải) và Y Nguôn Niê (bìa trái) đang chế tác Ching kram. |
Trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân Y Môi Mlô còn lưu giữ được nhiều nhạc cụ truyền thống được các nghệ nhân chế tác như: Đing năm, Đing tắk ta, Đing puôt... Ông Y Môi Mlô trầm ngâm, nhạc cụ hư hỏng, mất đi có thể chế tác lại nhưng cồng chiêng mất đi thì phải vất vả lắm mới tìm mua lại được. Cũng theo lời ông, vào năm 1979, có nhiều người lạ tìm đến làng hỏi mua cồng chiêng nhưng không ai bán, và rồi cũng chính năm đó nhiều cồng chiêng đã bị kẻ xấu lấy cắp, riêng gia đình ông cũng đã bị mất đi bộ chiêng quý. Tuy vậy, ông vẫn còn gìn giữ được chiếc trống da trâu hơn 100 tuổi cùng chiếc ghế Kpan dài hơn 8m và 8 chiếc ché cổ. Đây là những vật mà ông vô cùng nâng niu và trân trọng và coi chúng là “báu vật” của gia đình, dòng họ. Ông trải lòng, chiếc trống da trâu đến tay ông cũng đã qua ba thế hệ. Ngày trước, chiến tranh loạn lạc, may sao vẫn giữ gìn được nó đến tận bây giờ. Rồi chỉ vào chiếc ché lớn nhất đặt cạnh chiếc trống da trâu, ông tiếp lời, ngày trước phải đổi 5 con trâu mới lấy được chiếc ché này, đến nay nó đã tồn tại cũng ngót nghét hơn 1 trăm năm rồi.
Không chỉ đam mê chế tác nhạc cụ, nghệ nhân Y Môi Mlô và nghệ nhân Y Nguôn Niê còn đau đáu nỗi niềm về việc truyền lửa văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ trong buôn. Sợ tiếng chiêng bị mai một, các nghệ nhân đã tập hợp đám trẻ trong buôn lại, tận tình chỉ dạy cách đánh chiêng cho lớp trẻ. Nhờ vậy, ở buôn Drăh, ngoài đội chiêng lão làng giờ đây đã có thêm một đội chiêng trẻ. Mỗi buổi chiều cuối tuần, các thành viên lại tập trung ở nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tập đánh Ching kram. Âm vang nhịp Ching kram cứ thế vang vọng, âm vang giữa núi đồi.
Chiếc trống da trâu hơn trăm tuổi của gia đình nghệ nhân Y Môi Mlô. |
Bên cạnh truyền dạy chiêng cho đám trẻ trong buôn, nhiều năm nay 2 nghệ nhân còn được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Búk mời đi dạy chiêng ở các lớp chiêng trẻ trên địa bàn. Hành trang mang theo chỉ là những thanh tre, ống nứa của bộ Ching kram được bỏ gọn trong một chiếc ba lô cũ, thế mà hai ông đã truyền dạy chiêng cho không biết bao đứa trẻ. Theo ông Y Môi Mlô, cồng chiêng là "linh hồn" của dân tộc, dù xã hội có phát triển đến đâu thì các thế hệ vẫn phải biết đánh và gìn giữ văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình.
Nối tiếp cha ông, lớp trẻ ở buôn Drăh cũng ý thức được việc bảo tồn nét văn hóa dân tộc. Hiện trong buôn vẫn duy trì được đội chiêng trẻ và đội múa với 14 thành viên. Đặc biệt, đội chiêng, đội múa của buôn thường được chọn là đại diện của xã Cư Né để đi biểu diễn, giao lưu, tham gia các cuộc thi lớn do xã, huyện, tỉnh tổ chức và đã mang về được nhiều giải thưởng đáng tự hào.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc