Multimedia Đọc Báo in

Yok Đôn mùa thay lá

14:28, 29/12/2018

Khi cơn mưa cuối mùa thôi rả rích, bầu trời trong xanh hơn cũng là lúc những cánh rừng ở Vườn Quốc gia Yok Đôn bước vào mùa thay lá mới, tạo nên bức tranh thiên nhiên đẹp đến nao lòng.

Mỗi năm rừng hai lần đổi màu “áo”, một là khi mùa mưa đến, cây cối “hồi sinh” đâm chồi nảy lộc; hai là chớm đông, cây bắt đầu rụng lá để “sinh tồn” giữa cái nắng gió khắc nghiệt của mùa khô Tây Nguyên. Với nhiều người, mùa thay lá khi trời bắt đầu chớm lạnh là đáng xem hơn cả. Rất nhiều nhóm phượt, thợ săn ảnh đổ về khu rừng mùa này để bắt trọn khoảnh khắc thiên nhiên tuyệt đẹp nhất trong năm.

Một cánh rừng ở  Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Một cánh rừng ở Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Đúng là không gì đẹp, hấp dẫn hơn khi lạc bước vào Yok Đôn mùa thay lá. Rừng cây tươi xanh ngày nào đang chuyển mình sang màu vàng nhẹ rồi úa đỏ dần cho đến khi buông rụng. Tiến sâu vào bên trong, khu rừng càng thanh vắng, an nhiên đến lạ thường. Ta cảm tưởng như nghe được lời “thì thầm” của mây gió, cỏ cây và mỗi bước chân ta đi cũng đủ đánh thức muông thú đang say giấc. Dạo chơi mỏi mệt, ta có thể nằm dài lên thảm lá rụng êm dịu, đưa mắt ngắm nhìn trời xanh và áng mây trắng bồng bềnh. Ở đây, thời gian như lắng đọng. Chỉ có biến thể sắc lá vàng-đỏ lấp lánh “nô đùa” với nắng gió từ sáng sớm cho đến chiều tàn.

Đi trong rừng Yok Đôn mùa lá đổ, ta ngỡ như mình đang say giấc mộng, lạc vào thế giới cổ tích đầy lãng mạn, mơ huyền ở một nơi xa xôi nào đó. Nhưng không! Ta đang chiêm ngưỡng một bức tranh thiên nhiên chân thực, sống động với đầy đủ xúc cảm. Ai đã từng đặt chân lên thảm lá vàng, phiêu du với gió mây, cây cỏ nơi đây chắc hẳn sẽ không khỏi vấn vương, hoài nhớ về một khung cảnh Yok Đôn nên thơ trữ tình.

Vậy nên, du khách còn chần chờ gì nữa! Hãy “xách ba lô” đến với Buôn Đôn, tự mình khám phá, cảm nhận hết vẻ đẹp rất nên thơ của Vườn quốc gia Yok Đôn, của cao nguyên Đắk Lắk.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.