Multimedia Đọc Báo in

Buôn H'ring vào hội

10:01, 05/01/2019

Ngày đầu tiên của năm mới, cả buôn H’ring (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar), buôn có 98% dân số là người Xê Đăng lại hân hoan vào hội.

Lễ hội mừng lúa mới diễn ra tại nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm để tạ ơn trời đất, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; cũng là dịp để bà con trong buôn vui chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ và trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào nơi đây.

Ông A Blời (64 tuổi) cho biết, sau mùa gặt thì cả buôn mở hội ăn mừng lúa mới, thống nhất tổ chức lễ hội vào ngày 1-1 (dương lịch) mỗi năm. Lễ hội diễn ra trong một ngày, với phần dâng lễ để tạ ơn thần linh và các hoạt động múa hát, giao lưu văn hóa, văn nghệ. Các gia đình sẽ cùng nhau đóng góp và tập trung tại nhà cộng đồng buôn để mừng hội.

Lễ vật dâng lên gồm có thịt heo nướng, chuột núi nướng, ché rượu cần… và nhất định không thể thiếu cơm lam được nấu từ gạo của vụ lúa vừa kết thúc. Trước đó mấy ngày, người dân trong buôn đã tất bật chuẩn bị cho dịp đặc biệt này. Mọi người dọn dẹp, sửa soạn lại nhà cửa cho tươm tất. Đàn ông trong buôn chia nhau tốp thì dựng cây nêu ở giữa sân chính sẽ diễn ra hội, tốp lên núi tìm kiếm loại chuột núi để về làm lễ vật dâng thần linh nhằm ngụ ý thần linh đừng để chúng phá hoại mùa màng năm sau. Đội chiêng tiến hành tập duyệt, sẵn sàng các tiết mục đặc sắc để mong năm sau sẽ có nhiều điều tốt đẹp hơn…

Vòng xoang đoàn kết quanh cây nêu ngày hội.
Vòng xoang đoàn kết quanh cây nêu ngày hội...

Sáng sớm của ngày đầu năm mới, phụ nữ chuẩn bị ché rượu cần, nhóm bếp, đợi than hồng để nướng ống cơm lam, thịt heo nướng, chuột núi… Xế trưa, cả buôn tề tựu về nhà sinh hoạt cộng đồng buôn. Vào hội, đội cồng chiêng và nhóm múa đi đầu, đánh bài chiêng đón khách và những người có mặt trong ngày hội cùng nhau kết thành vòng xoang đoàn kết quanh cây nêu. Dưới gốc cây nêu, người có uy tín trong làng đưa lễ vật đã chuẩn bị tươm tất từ trước đó để dâng lên thần linh và trịnh trọng gửi lời cảm tạ trời, đất đã mưa thuận gió hòa cho cây lúa tốt tươi. Sau phần dâng lễ vật, bà con trong buôn cùng hội tụ quanh cây nêu để uống rượu cần, nhảy theo nhịp cồng chiêng và múa hát đón chào vụ mùa sau tiếp tục bội thu.

Rượu cần, thịt nướng, cơm lam đã được các gia đình chuẩn bị trước đó, mang ra mời khách. Những người có mặt cùng tụ hội lại, ăn ống cơm nấu từ gạo mới và thưởng thức các món ăn truyền thống, chuyện trò vui vẻ. Không khí của ngày hội càng rộn ràng khi tiếng chiêng ngân vang, những điệu múa, hát đậm chất văn hóa của dân tộc Xê Đăng được cất lên. Các chàng trai, cô gái của buôn làng khỏe khoắn, uyển chuyển say sưa trong những điệu múa truyền thống.

... và cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống của người Xê Đăng.
... và cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống của người Xê Đăng.

Trong không khí vui tươi của ngày hội, ông Ama Lysa (59 tuổi) cho hay, đây là dịp để bà con tụ hội, vui chơi ăn mừng sau vụ mùa làm lụng vất vả. Năm nay, niềm vui không trọn vẹn như những năm trước vì già làng, người tiến hành nghi lễ chính đã ốm yếu, vắng mặt nên phần lễ cúng được làm đơn giản, chỉ dâng lễ vật lên thần linh chứ không đọc lời khấn. Buôn cũng đang tính đến việc sẽ chuyển giao, truyền dạy các nghi lễ cũng như văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ sau để giữ gìn bản sắc của cha ông để lại.

Huyện Cư M’gar có 24 dân tộc anh em cùng chung sống. Huyện luôn chú trọng tạo mọi điều kiện để đồng bào các dân tộc bảo tồn vốn văn hóa, bản sắc của mình, đồng thời tạo ra sự giao thoa giữa các dân tộc, làm phong phú thêm vốn văn hóa của các cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn. Lễ hội mừng lúa mới của người Xê Đăng được coi là điểm nhấn về văn hóa và góp phần thắt chặt thêm mối đoàn kết cộng đồng các dân tộc ở địa phương.


Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.