Multimedia Đọc Báo in

Lời tâm tình của tre nứa

06:45, 30/01/2019

Từ những vật liệu sẵn có của núi rừng, qua bàn tay tài hoa của mình, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã chế tạo ra được nhiều loại nhạc cụ khiến người nghe mê đắm.

Trong các nghi lễ theo vòng đời người như: Lễ thổi tai, lễ cúng sức khỏe, lễ cưới, lễ bỏ mả… cũng như các nghi lễ theo chu kỳ canh tác nông nghiệp: Lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ cúng đốt rẫy, đưa lúa về nhà… của người Tây Nguyên đều không thể thiếu âm nhạc, trong đó các nhạc cụ làm bằng tre nứa giữ vai trò vô cùng quan trọng. Có thể liệt kê rất nhiều loại nhạc cụ như: Chiêng tre, Đing năm, Đing puốt, đàn T’rưng, đàn Klông put… Dù chỉ từ những thanh tre, nứa ghép lại, nhưng thanh âm phát ra từ các nhạc cụ ấy tạo nên những bản nhạc du dương, trầm bổng mang âm hưởng của núi rừng.

Nghệ nhân A Nol (người Xơ Đăng, buôn Kon H’ring, xã Ea Hđing, huyện Cư M’gar) chế tác đàn T’rưng.
Nghệ nhân A Nol (người Xơ Đăng, buôn Kon H’ring, xã Ea Hđing, huyện Cư M’gar) chế tác đàn T’rưng.

Theo nghệ nhân Y Môi Mlô (xã Cư Né, huyện Krông Búk), với trí tưởng tượng phong phú của mình, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên thường gắn mỗi nhạc cụ của dân tộc mình với một huyền thoại mê hoặc lòng người.

Chẳng hạn sự ra đời của Đing năm được mọi người truyền lại như sau: Có hai vợ chồng người Êđê sống với nhau qua bảy mùa rẫy mà vẫn chưa có con. Họ ao ước có một mụn con để nương tựa lúc già yếu. Một hôm người vợ lên rẫy, khát nước quá nên đi tìm nước. Đi mãi, đi mãi, bỗng người vợ bắt gặp một vũng nước trong veo nằm trong hốc đá. Chị liền uống một hơi cạn sạch. Ít lâu sau, người vợ mang bầu rồi sinh ra được sáu người con gồm ba trai, ba gái rất xinh đẹp.

Càng lớn chúng càng giống nhau như đúc, để khỏi nhầm lẫn, người cha liền vào rừng chặt sáu ống nứa dài, ngắn khác nhau đưa cho các con. Người con trai út vốn thông minh và khéo tay, chàng liền lấy sáu ống nứa đẽo gọt, gắn vào sáu quả bầu khô làm kèn để thổi, nghe âm thanh cao thấp ấy mà phân biệt. Không bao lâu sau cha mẹ đột ngột qua đời, sáu anh chị em mang các ống kèn ra thổi để tỏ lòng thương tiếc. Nhưng mỗi người thổi một ống rất bất tiện, bởi còn phải lo cơm nước, tiếp đãi khách khứa, lo ma chay cho cha mẹ. Chàng trai út liền nghĩ ra cách lấy một quả bầu to gắn cả sáu ống nứa vào rồi dùi lỗ bấm trên các ống. Sau đó, chàng thổi lên khúc nhạc, lúc réo rắt, lúc buồn thương khiến ai nghe cũng phải ngậm ngùi. Từ đó chiếc kèn được mọi người sử dụng và lan truyền khắp các buôn làng Êđê, họ gọi là Đing năm (theo tiếng Êđê, đing là ống, năm là số 6 trong hệ đếm của người Êđê).

Nghệ nhân Y Môi Mlô (bìa phải) cùng nghệ nhân Y Nguôn Niê chế tác chiêng tre.
Nghệ nhân Y Môi Mlô (bìa phải) cùng nghệ nhân Y Nguôn Niê chế tác chiêng tre.

Có thể thấy, âm thanh của những nhạc cụ từ tre nứa chở đầy cảm xúc và suy tư trong đời sống tinh thần của người Tây Nguyên, đồng thời nó cũng mang tính cộng đồng mạnh mẽ, đi vào đời sống văn hóa tinh thần một cách nhẹ nhàng, mộc mạc. Âm thanh của chúng hiền lành, chất phác như những người con của núi rừng nhưng ẩn chứa trong đó sự cuốn hút đầy mê hoặc.

Đó như là lời tâm tình của tre nứa, để nói hộ, bày tỏ nỗi lòng của con người…

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.