Lưu giữ "bảo vật" truyền thống người M'nông
Trước nhịp sống hiện đại, nhiều người dân ở xã Buôn Triết (huyện Lắk) vẫn luôn gìn giữ những “bảo vật” truyền thống như chiêng cổ, ché rượu cần của gia đình mình.
Chúng tôi tìm đến gia đình bà H’Bin Đắk Chắt (buôn Ung Rung 1), nơi còn lưu giữ được hai bộ chiêng quý. Dẫn chúng tôi vào ngôi nhà dài cạnh căn nhà mái thái mới xây dựng khang trang, bà H’Bin tâm sự: “Ngôi nhà dài là nơi bao thế hệ gia đình bà sinh ra và lớn lên. Giờ đây, khi có điều kiện xây dựng nhà mới, nhưng gia đình vẫn giữ lại nhà dài để sau này cháu chắt còn biết về ngôi nhà truyền thống. Hơn nữa, nhà dài cũng là nơi để cất giữ hai bộ chiêng, trống da trâu và hơn 10 ché rượu cần”. Bà H’Bin xem hai bộ chiêng và các ché rượu cần như “bảo vật” của gia đình mình. Bà không nhớ rõ bộ chiêng của gia đình được bao nhiêu tuổi, chỉ nghe mẹ bà kể là bộ chiêng này được để lại từ đời bà cố. Chiêng thường được dùng trong các lễ hội của buôn làng hoặc khi gia đình tổ chức các sự kiện quan trọng.
Ché rượu cần với họa tiết rồng bay của gia đình bà H'Bin Đắk Chắt. |
Được đặt ở phía bên trái của ngôi nhà dài, hơn 10 ché rượu cần của nhà bà H’Bin cũng là của quý mà mọi thành viên trong gia đình đều muốn lưu giữ. Trong đó, có một ché có tuổi đời hơn 30 năm, trước đây mẹ bà H’Bin đã đổi ngang giá với một con bò cái. Theo bà H’Bin, ché này đặc biệt bởi chất liệu rất nhẹ và các họa tiết trên ché cũng được nghệ nhân trang trí tỉ mỉ với hình rồng bay ở phần thân, các con vật ở chung quanh miệng ché. Cũng như bà H’Bin, gia đình bà H’Ngóa Buôn Đáp (buôn Ja Tu) hiện vẫn còn lưu giữ ba bộ chiêng. Bà là thế hệ thứ tư trong gia đình được truyền ba bộ chiêng cổ này. Chiêng luôn là “bảo vật” hiện hữu trong nhiều bữa tiệc của gia đình nên vợ chồng bà lưu giữ rất cẩn thận. Đã có nhiều người lạ đến hỏi mua chiêng với giá cao, nhưng vợ chồng bà H’Ngóa đã kiên quyết từ chối. Với bà, chiêng là gia sản về vật chất và tinh thần của người M’nông. Với những người đi tìm mua chiêng, ché đến nhà, bà H’Ngóa luôn đề cao cảnh giác, tuyệt đối không mở cửa cho vào nhà.
Bà H'Ngóa Bdap bên những ché rượu cần. |
Lưu giữ, nâng niu “bảo vật” truyền thống, nhiều người dân đang cùng chung nỗi lo tình trạng mất cắp chiêng cổ, ché rượu cần và những vật quý khác. Thực tế, tại xã Buôn Triết đã xảy ra tình trạng này. Cách đây tầm 10 năm, gia đình ông Y Tung Bdáp (buôn Knăc) bị mất hai bộ chiêng cổ. Gần đây, vào cuối năm 2017, gia đình bà H’Xun Bdap cũng bị kẻ gian lấy cắp một chiếc ché quý. Bà H’Xun cho hay, chiếc ché bị mất là của bà ngoại bà để lại, trước đây được đổi bằng một con voi. Từ ngày bị mất ché, mỗi tối trước khi đi ngủ bà không quên dặn con cháu phải khóa cửa cẩn thận.
Ông Y Bhim Êung, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Triết cho biết, trên địa bàn xã có 6 buôn đang còn chiêng, ché cổ được người dân lưu giữ gồm các buôn: Ung Rung 1, Ung Rung 2, Ja Tu, Knăc, Tung 3 và buôn Lách Rung. Để lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là cồng chiêng, hằng năm Ban Văn hóa xã Buôn Triết đã phối hợp với Phòng Văn hóa – thông tin huyện thường xuyên tổ chức giao lưu và mở lớp dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Trong những năm gần đây, trên địa bàn xã có xảy ra tình trạng mất cắp chiêng, ché, do đó địa phương đã đề nghị trưởng các thôn, buôn thông báo người dân cất giữ cẩn thận.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc