Multimedia Đọc Báo in

Nét đẹp văn hóa cồng chiêng ở Tân Tiến

09:25, 27/01/2019

Nhiều đời qua, người Êđê ở buôn Kplang (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) vẫn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó có cồng chiêng.

Đội chiêng buôn Kplang thường được chọn tham gia biểu diễn tại nhiều chương trình trong và ngoài tỉnh. Đội chiêng có 7 thành viên, người lớn tuổi nhất đã gần 80 tuổi, người trẻ nhất cũng đã 50 tuổi nhưng cùng chung một niềm yêu thích cồng chiêng mãnh liệt. Không ai trong đội chiêng buôn Kplang nhớ rõ đội được thành lập từ khi nào chỉ biết rằng thành viên của đội là những người đánh cồng chiêng giỏi nhất buôn làng. Cứ thế, đội chiêng buôn Kplang tồn tại và phát triển cho đến ngày nay, không chỉ gìn giữ mà còn "truyền lửa" niềm đam mê cồng chiêng đến các thế hệ sau.

Đội chiêng buôn Kplang (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) tập luyện.
Đội chiêng buôn Kplang (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) tập luyện.
 
“Xã Tân Tiến hiện lưu giữ khoảng 28 bộ cồng chiêng, trong đó có 2 bộ gần 100 tuổi. Tại 7 thôn, 4 buôn của xã đều có đội cồng chiêng. Trong đó, đội chiêng buôn Kplang là đội chiêng nòng cốt của xã”.
 
Ông Trần Quốc Dũng, Công chức văn hóa - xã hội xã Tân Tiến

Ông Y Út Byă (sinh năm 1941) tên thường gọi Ma Ven, là thành viên lớn tuổi nhất và là nghệ nhân đánh cồng chiêng giỏi nhất trong đội chiêng buôn Kplang. Năm 7 tuổi, ông Y Út được cha cùng một số nghệ nhân trong buôn dạy cách đánh cồng chiêng. Sớm được rèn giũa, lại được tận mắt chứng kiến nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng trong các lễ hội tại buôn làng, niềm đam mê cồng chiêng đã "ngấm" vào ông lúc nào không hay.

Ma Ven tâm sự: “Hình ảnh các nghệ nhân trình tấu cồng chiêng luôn hiện hữu trong tâm trí tôi. Tôi mong muốn đến một lúc nào đó mình cũng đánh cồng chiêng giỏi như các  nghệ nhân vậy. Tôi miệt mài tập luyện, kể cả khi đi chăn trâu. Không có chiêng tôi cùng đám bạn chia nhau đi chặt tre rồi tự mày mò làm chiêng tre để luyện tập thật thành thạo những bài chiêng được chỉ dạy trước đó”.

Nhờ vậy, Ma Ven không chỉ đánh cồng chiêng giỏi mà còn có khả năng thẩm âm tốt để chỉnh chiêng, chế tác nhiều loại nhạc cụ dân tộc Êđê nổi tiếng như đing năm, đing tut... ở buôn làng. Cũng chính niềm đam mê cồng chiêng đã thôi thúc Ma Ven gìn giữ cẩn thận các bộ chiêng ông bà, cha mẹ để lại, chỉ mang ra đánh trong các dịp sinh hoạt lễ hội của gia đình, của buôn làng.

Là người có nhiều đóng góp cho đội chiêng của buôn Kplang, ông Y Sum Niê (sinh năm 1950) trò chuyện, lớn lên trong tiếng cồng, tiếng chiêng nên ông luôn cố gắng học hỏi, luyện tập đánh cồng chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc mình. Muốn đánh cồng chiêng giỏi, từng thành viên trong đội phải kiên trì luyện tập, nhưng quan trọng hơn hết là tinh thần đoàn kết để phối hợp thật nhịp nhàng.

Dù bận rộn với nhiều lo toan đời thường nhưng mỗi khi nhận được thông báo tập luyện để tham gia một lễ hội hay một sự kiện văn hóa nào đó các thành viên trong đội chiêng đều có mặt đông đủ để cùng tham gia. Cũng như nhiều thành viên trong đội chiêng buôn Kplang, ông Y Sum luôn trăn trở khi thế hệ trẻ ít "mặn mà" với cồng chiêng. Để khơi dậy niềm yêu thích cũng như nêu gương cho thế hệ trẻ về việc giữ gìn văn hóa truyền thống của cha ông, ngoài chỉ dạy cồng chiêng cho thanh niên và người dân trong xã, mỗi khi tỉnh mở lớp chỉnh chiêng, ông Y Sum tích cực tham gia học dù tuổi đã cao.

Với sự quan tâm của Nhà nước, những năm gần đây các thành viên đội chiêng buôn Kplang đã tham gia 4 lớp truyền dạy cồng chiêng cho 80 em học sinh và người dân trong xã. Hiện nay, xã Tân Tiến có khoảng 60 người biết đánh cồng chiêng, đây sẽ là những "đốm lửa nhỏ" góp phần lan tỏa niềm yêu thích, niềm đam mê để tiếng cồng chiêng được gìn giữ, mãi ngân vang tại buôn làng.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.