Ngân vang điệu hát then - đàn tính
“Ở đâu có người Tày, Nùng thì ở đó có đàn tính, hát then”, đó dẫu chỉ là câu nói vui của những người Tày, Nùng nhưng cũng là một thực tế ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh với sự hiện diện của những câu lạc bộ (CLB) hát then, đàn tính đang từng ngày lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống này.
Lan tỏa phong trào truyền dạy đàn tính - hát then
Câu lạc bộ đàn tính - hát then Cao Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) được thành lập từ năm 2013. Ông Lô Ngọc Bé, một thành viên CLB chia sẻ, rời quê hương vào Đắk Lắk lập nghiệp, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ quê hương, bà con chòm xóm. Những lúc như thế, ông lại gửi nỗi nhớ qua điệu then, đàn tính. Đến khi cuộc sống bớt khó khăn, ông và người chị họ là bà Luân Thị Liên mới tập hợp những người yêu thích đàn tính - hát then để thành lập CLB (do bà Liên làm chủ nhiệm). Ban đầu chỉ một vài người tham gia nhưng đến nay đã có khoảng 70 thành viên; tập trung chủ yếu ở TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar và Buôn Đôn.
Để có thể tham gia các hội thi, hội diễn, ngoài những bài then cổ mang đậm tính nghi lễ, các thành viên trong CLB còn nghiên cứu, sáng tác nhiều bài then mới theo các chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, sự đổi thay trên quê hương mới… Theo bà Liên, với người Tày, Nùng thì đàn tính - hát then không chỉ là một loại hình nghệ thuật để gửi gắm tâm sự, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống mà còn có ý nghĩa tâm linh. Do đó, việc thành lập CLB vừa để bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vừa tạo sân chơi gắn kết những người cùng quê hương.
Bà Hoàng Thị Dung (thứ hai từ trái sang) chia sẻ kinh nghiệm chơi đàn tính cho các thành viên trong CLB. |
Để điệu then - đàn tính mãi ngân vang
Có dịp chứng kiến buổi luyện tập của các thành viên trong CLB đàn tính - hát then xã Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn) mới thấy được niềm say mê, tình yêu văn hóa truyền thống dân tộc của những người con Tày, Nùng. Trong ngôi nhà nhỏ giữa vườn cà phê của bà Hoàng Thị Dung (Chủ nhiệm CLB), hơn 10 người say sưa luyện tập để chuẩn bị đi biểu diễn giao lưu tại huyện Cư M’gar. Ông Vương Văn Bằng, người biết hát then từ năm lên 10 tuổi và biết chế tác đàn tính năm 14 tuổi hào hứng kể: “Lúc nhỏ ở quê thấy người già làm đàn tính tôi đã mon men theo học, rồi tập làm đàn. Đến khi vào Đắk Lắk, tôi vẫn mang theo cây đàn mình làm từ lúc nhỏ để thỉnh thoảng mang ra đàn - hát cho vơi nỗi nhớ nhà. Cũng từ đó đến nay, tôi đã làm khá nhiều cây đàn tính vừa để người thân dùng vừa bán”.
Em Ma Thị Huệ (16 tuổi) là thành viên nhỏ tuổi nhất CLB chia sẻ, sau một lần tình cờ đến xem các cô, các chú biểu diễn và luyện tập, những lời then ngọt ngào cùng tiếng đàn tính réo rắt đã mê hoặc em. Sau khi xin tham gia, được các cô chú tận tình chỉ dạy em thêm hiểu và trân trọng nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc, thêm yêu quê hương, đất nước.
Bà Dung cho biết: “Dù ở địa phương có rất nhiều người biết hát, đàn nhưng phải đến năm 2013, sau khi tham gia vào CLB đàn tính - hát then Cao Nguyên tôi mới trở về tập hợp các thành viên lại với nhau. Bây giờ, ngày càng có nhiều người đến xin tham gia vào CLB của xã, chủ yếu là lớp trung niên”. Vì quá đam mê nên dù công việc ruộng nương có bận đến đâu chỉ cần có hội thi, hội diễn, hay được mời giao lưu, ai cũng hào hứng tham gia, tranh thủ lúc đi làm đồng để tập hát, đến tối về nhà lại tập đàn. Để rồi, khi những lời ca, điệu nhạc vang lên, nhất là trong mỗi dịp Tết đến, xuân về hay các ngày hội như càng thôi thúc mọi người nỗ lực thi đua lao động, sản xuất xây đắp quê hương mới giàu đẹp.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc