Multimedia Đọc Báo in

Thăm chùa Phật Lồi ở Quy Nhơn

07:28, 12/01/2019

Về thành phố biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), du khách đừng quên một lần đến thăm chùa Phật Lồi, một trong những ngôi chùa linh thiêng và nổi tiếng nhất xứ võ.

Chùa Phật Lồi có tên chữ là Linh Sơn cổ tự. Chùa được xây dựng vào năm 1913, tọa lạc ở làng chài Hải Giang (nay đã dời về khu tái định cư Nhơn Phước, xã Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn). Đây là ngôi chùa nhỏ nhưng có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa và tâm linh của người dân Hải Giang. Đặc biệt, chùa nổi tiếng khắp tỉnh với pho tượng Chăm được thờ tại chùa.

Tên Phật Lồi của chùa gắn liền với pho tượng này. Tương truyền, xưa kia, trong lúc cày ruộng, một người dân Hải Giang nhìn thấy một pho tượng từ lòng đất trồi lên. Sau đó, dân làng đã lập chùa để thờ pho tượng này. Chùa được đặt tên là Phật Lồi vì gắn với sự kiện tượng Phật lồi lên từ lòng đất.

Tượng Phật Lồi được thờ trong chùa Linh Sơn.
Tượng Phật Lồi được thờ trong chùa Linh Sơn.

Được người dân xem là tượng Phật nhưng thực ra, tượng được thờ trong Linh Sơn cổ tự là một pho tượng Chăm. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, đây là pho tượng thờ thần Siva, có niên đại thế kỷ 15, được tạc bằng đá sa thạch. Tượng cao 0,82 m, rộng 0,46 m, được thể hiện dưới dạng thần Siva đang ngồi trong tư thế thiền, tay trái đặt ngửa giữa hai chân, tay phải lần tràng hạt, gương mặt trầm tư. Đây là tượng độc bản, có hình thức khác hẳn với các tượng thần Siva khác từng được phát hiện ở Bình Định. Đặc biệt, tượng được gắn chặt với tấm bia đá sau lưng, trên bia khắc 12 dòng chữ Chăm cổ từng là bí ẩn trong một thời gian dài. Tượng Phật Lồi tại chùa Linh Sơn là một trong những hiện vật Chăm Pa tiêu biểu tại Bình Định hiện nay.

Liên quan tới tượng Phật Lồi, người dân Hải Giang còn lưu truyền nhiều giai thoại ly kỳ. Chẳng hạn, trước đây, có hai ngư dân của làng đang kéo lưới chẳng may trượt chân ngã xuống biển. Dân làng tìm kiếm hai ngày nhưng không thấy. Sau đó, gia đình đến chùa cầu xin Phật Lồi phù hộ thì thấy hai người đánh cá còn sống đang trôi trên chiếc phao cách nơi bị nạn 2 km. Hoặc như chuyện năm 1945, sau khi Nhật thua trận phải rút về nước, một viên sĩ quan Nhật nghe đồn tượng Phật Lồi là đồng đen quý hiếm nên dẫn một toán lính đến cướp tượng nhưng khiêng không nổi nên phải từ bỏ ý định. Hắn ta tức giận rút kiếm chém tượng, vết chém vẫn còn đến ngày nay. Đối với người dân Hải Giang, tượng Phật Lồi là linh hồn của chùa Linh Sơn, là điểm đến tâm linh để người dân nơi đây cầu mong yên bình, biển yên gió lặng…

Những dòng chữ Chăm cổ sau lưng tượng Phật Lồi.
Những dòng chữ Chăm cổ sau lưng tượng Phật Lồi.

Hiện nay, chùa Phật Lồi đã được xây mới khang trang hơn. Về Quy Nhơn, đến làng chài Hải Giang, du khách không chỉ được thưởng ngoạn vẻ đẹp kỳ vĩ, nên thơ của Eo Gió, Kỳ Co, thưởng thức hải sản tươi sống, mà còn được trải nghiệm những giá trị văn hóa đặc sắc của người dân miền biển. Đến thăm chùa Linh Sơn, nghe người dân Hải Giang kể chuyện tượng Phật Lồi phù hộ dân lành, trừng trị kẻ tham ác… chắc chắn sẽ khiến hành trình khám phá phố biển Quy Nhơn của bạn thêm thú vị.

Tư Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.