Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

22:59, 14/02/2019

Đầu tháng 12 năm 2018, trong chương trình Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức tại tỉnh Gia Lai, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị-Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.

Tham dự hội Thảo có các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa của các cơ quan Trung ương và địa phương cùng đại diện một số nghệ nhân diễn tấu, truyền dạy và chỉnh sửa cồng chiêng của các dân tộc J’Rai, Bana, Xê Đăng. Trong một ngày hội thảo sôi nổi, khẩn trương và đầy tinh thần trách nhiệm, các đại biểu đã nghe 46 bản báo cáo khoa học và 15 tham luận của các nhà khoa học và các nhà quản lý.

Các bản báo cáo và tham luận đã nêu ra những nguyên nhân mai một của không gian văn hóa cồng chiêng; đồng thời phản ánh một số kết quả đạt được của các tỉnh Tây Nguyên trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng. Trong những năm qua do những biến đổi về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước đã khiến cho văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa Tây Nguyên bị mai một nghiêm trọng. Những nguyên nhân trưc tiếp là do rừng bị tàn phá; sông suối cạn kiệt nguồn nước; rẫy nương truyền thống nhường chỗ cho cây cà phê, hồ tiêu, ca cao; nhà sàn truyền thống đã thay dần bằng nhà xây kiên cố; bến nước không còn; khu nhà mồ được bê tông hóa; nghi lễ - lễ hội đang bị quên lãng; các nghệ nhân già theo nhau đi về với tổ tiên đã mang theo kho báu văn hóa không kịp truyền lại; lớp trẻ lớn lên không mặn mà với văn hóa của dân tộc mình; sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, của đô thị hóa nông thôn, của văn hóa đương đại như tivi, phim, ảnh, ca nhạc… đã tác động mạnh mẽ đến văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên.

Trước thực trạng đó, trong những năm qua các tỉnh Tây Nguyên đã có những hoạt động tích cực, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống (trong đó có cồng chiêng). Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk, trong giai đoạn 2007-2010 đã dành 6 tỷ đồng cho các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng. Giai đoạn 2012-2015, tỉnh đầu tư hơn 48,8 tỷ đồng để bảo tồn phát huy di sản văn hóa cồng chiêng. Với nguồn kinh phí này tỉnh đã mở hàng trăm lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào dân tộc Êđê, M’nông, J’Rai, phục dựng nhiều lễ hội gắn với không gian văn hóa cồng chiêng. Hiện tại toàn tỉnh có 2.046 bộ chiêng Êđê, 164 bộ chiêng M’nông, 62 bộ chiêng J’Rai; số nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng là 3.855 người, trong đó có 330 đội chiêng trẻ.

Tỉnh Đắk Nông, với đề án: “Bảo tồn lễ hội, hóa văn, cồng chiêng, và nhạc cụ dân tộc M’nông, giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2012-2015” đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng. Cụ thể đã mở trên 100 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào M’nông, Mạ; tổ chức hàng chục buổi dạy đánh cồng chiêng cho học sinh các trường tiểu học và trung học trong tỉnh; thành lập 8 câu lạc bộ cồng chiêng, 8 đội văn nghệ dân gian; khôi phục trên 30 lễ hội truyền thống; cấp phát cho các nhà sinh hoạt cộng đồng 150 bộ chiêng (6 chiêng bằng/bộ), 15 bộ goong peh (3 chiêng núm/bộ); phục hồi 15 bài chiêng có nguy cơ mai một; cấp 300 bộ trang phục truyền thống và 180 bộ nhạc cụ tre nứa cho tám đội văn nghệ dân gian thuộc các huyện trong toàn tỉnh. 

Lễ mừng cây nêu mới của dân tộc Cơtu. Ảnh: Tấn Vịnh
Lễ mừng cây nêu mới của dân tộc Cơtu. Ảnh: Tấn Vịnh

Tỉnh Gia Lai, trong những năm qua đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho việc bảo tồn và khôi phục các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Bana, J’Rai, như: Lễ cầu mưa, lễ bỏ mả, lễ cúng lúa mới, lễ cúng sức khỏe; mỗi năm tổ chức trên 150 lớp dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào bản địa; toàn tỉnh hiện có 5.600 bộ cồng chiêng, trong đó phần lớn là chiêng cổ; hàng năm đều tổ chức giao lưu văn hóa cồng chiêng cấp xã, cấp huyện, và hai năm một lần liên hoan văn hóa cồng chiêng cấp tỉnh, những hoạt động này là yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng.

Tỉnh Kon Tum, trong những năm qua đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho việc phục hồi nhà rông truyền thống ở các kon, plei; tổ chức hơn 200 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào Bana, Xê Đăng; phục hồi tên 20 lễ hội truyền thống, hằng năm đều tổ chức liên hoan văn hóa cấp xã và hai năm một lần tổ chức liên hoan văn hóa cấp tỉnh, góp phần bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng;

Tỉnh Lâm Đồng, đã triển khai thực hiện đề án: “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, giai đoạn 2009-2012 và tầm nhìn đến năm 2015”. Kết quả đạt được rất khả quan: đã mở được 25 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng (trung bình mỗi lớp 24 em) là con em đồng bào dân tộc K’Ho, Mạ, Churu. Đã duy trì hai năm một lần ngày hội văn hóa cồng chiêng toàn tỉnh; thường xuyên đưa cồng chiêng vào phục vụ khách tham quan du lịch tại các điểm du lịch; tổ chức tôn vinh 60 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, chỉnh sửa chiêng, truyền dạy cồng chiêng, thông qua đó mà động viên, cổ vũ đồng bào tham gia gìn giữ và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng.

Thi tạc tượng tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2017.  Ảnh: Nam Phương
Thi tạc tượng tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2017. Ảnh: Nam Phương

Hội thảo cũng đề ra một số giải pháp bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng vô cùng thiết thực. Cụ thể: bảo tồn không gian văn hóa buôn làng truyền thống, coi đây như một bảo tàng sống; tạo điều kiện cho đồng bào phục hồi không gian nhà dài, nhà sàn; tuyên tuyền, vận động để đồng bào tự giác phục hồi lại các lễ hội truyền thống của ông bà để lại; phục hồi không gian bến nước; phục hồi nghề dệt thổ cẩm; đưa cồng chiêng vào sinh hoạt trong nhà văn hóa cộng đồng; tổ chức nhiều lớp truyền dạy đánh chiêng, chỉnh sửa cồng chiêng cho con em đồng bào các dân tộc bản địa trong các buôn làng và trong các trường học cấp cơ sở; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên hai năm một lần tổ chức liên hoa văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, giao cho mỗi tỉnh đăng cai một lần; các tỉnh Tây Nguyên hằng năm nên quan tâm đầu tư kinh phí cho việc bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng như những năm qua đã từng làm.

Hội thảo lần này là một mốc quan trọng sau 14 năm kể từ ngày Liên hiệp quốc(UNESCO) công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền miệng của nhân loại” (2005), và sau 10 năm thực hiện công ước của UNESCO về “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại” (2008), nhằm tôn vinh danh hiệu không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mà Liên hiệp quốc đã công nhận, đồng thời đề ra những giải pháp thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy giá trị cồng chiêng Tây Nguyên sống mãi với cộng đồng.

Trương Bi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.